Gan là nội tạng lớn nhất trong cơ thể và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ chính của gan là nhà máy hóa chất của cơ thể, gan làm nhiệm vụ chuyển hoá các chất dinh dưỡng, thanh lọc các độc tố và tổng hợp chất mật, tạo ra các enzym cần thiết cho cơ thế. Tuy nhiên, gan có thể bị mắc nhiều loại bệnh do tác nhân vi khuẩn, virus.
1. Viêm gan B
Viêm gan B là nguyên nhân dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Nếu bệnh xảy ra ở người lớn vẫn có thể điều trị để loại bỏ virus viêm gan B dễ dàng. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn nhiễm virus viêm gan B nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Nguyên nhân gây viêm gan B là do virus viêm gan HBV-DNA truyền nhiễm gây bệnh, là loại bệnh lây nhiễm. Người mắc viêm gan B nếu không được hỗ trợ và điều trị kịp thời có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Hiện tại chỉ có phương pháp duy nhất là xét nghiệm máu để xác định xem mình có bị bệnh hay không. Viêm gan B có thể lây qua con đường máu, tình dục và mẹ sang con, và sử dụng các vật dùng thiếu vệ sinh như dao cạo, bàn chải…
Hiện nay, tiêm vắc xin phòng viêm gan B được coi là phương pháp phòng tránh bệnh hiệu quả nhất. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính chỉ có thể dùng thuốc để kiểm soát tình trạng virus viêm gan B trong cơ thể. Tổ chức WHO khuyến cáo cần tiêm vacxin phòng viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu), tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.
2. Suy gan
Suy gan gồm 2 dạng là suy gan cấp tính và suy gan mãn tính
- Suy gan cấp có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh thường tấn công nhanh và chức năng gan của bệnh sẽ bị mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
- Suy gan mãn tính thường là kết quả của xơ gan, diễn tiến của bệnh chậm, có thể mất vài tháng hoặc vài năm mới xuất hiện triệu chứng của bệnh.
Triệu chứng thường gặp của suy gan gồm: Khô, rát hoặc ngứa mắt, móng tay trở nên mỏng và dễ gãy, tóc khô, yếu, mỏng và rơi ra dễ dàng, da khô, cứng khớp, mất ngủ, giấc ngủ không sâu (thức dậy suốt đêm), thiếu năng lượng và thất thường kinh nguyệt ở phụ nữ.
3. Ung thư gan
Ung thư gan là bệnh không có nguyên nhân rõ ràng, hiện tại khoa học vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh này. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư gan cao rơi vào những người bị viêm gan B mãn tính, xơ gan, di truyền, bị bệnh tiểu đường, béo phì. Người bị bệnh ung thư gan thường không có biểu hiện gì trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Thậm chí đến giai đoạn cuối người bệnh mới có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng thường gặp của ung thư gan: Vàng da, vàng mắt là hậu quả của tình trạng tắc nghẽn đường mật gây ra bởi khối u. Muối mật (bilirubin) trào ngược từ trong đường mật vào các xoang gan, đi vào máu và lắng đọng ở da. Vàng da, vàng mắt thường kèm theo phân bạc màu và nước tiểu sẫm màu (như nước vối). Bên cạnh đó, khoảng 30-50% các trường hợp gầy sút cân tại thời điểm chẩn đoán. Đau bụng vùng gan: giai đoạn sớm thì thường đau mơ hồ, không rõ rang, khi đau bụng nhiều thì thường do các biến chứng của tắc mật.
Điều đáng nói là người dân vẫn còn chủ quan khi gặp các triệu chứng như đau sườn bụng, mệt mỏi, giảm cân, chán ăn… vì chỉ nghĩ đó là các bệnh bình thường và không đi khám, xét nghiệm dẫn đến không có biện pháp đối phó kịp thời để ngăn chặn diễn biến tình trạng của bệnh.
4. Xơ gan
Xơ gan là bệnh mà các mô tế bào khỏe được thay bằng mô sẹo làm giảm hoặc mất hoàn toàn chức năng của gan. Các nguyên nhân thường gây ra xơ gan bao gồm sử dụng các chất kích thích đặc biệt là rượu bia, do gan nhiễm mỡ và do virus viêm gan gây ra.
Xơ gan ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì, về sau tùy thuộc vào từng mức độ mà có thể xuất hiện các biểu hiện của hội chứng suy tế bào gan, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn, vàng da, da sạm, dễ chảy máu cam, chảy máu chân răng, phù, cổ trướng, suy giảm chức năng tình dục…, nặng hơn có những biến chứng như nôn ra máu và đi ngoài phân đen do vỡ hoặc giãn tĩnh mạch thực quản, hôn mê gan, suy thận, các biểu hiện nhiễm khuẩn hoặc do xơ gan ung thư hóa…
Hiện nay, các tổn thương trong xơ gan chưa có biện pháp điều trị triệt để nhưng hoàn toàn có thể ngăn cản và làm chậm quá trình phát triển của nó nếu được điều trị một cách thích hợp.
5. Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm quá 5% trọng lượng của gan, đây là bệnh thường gặp trong lối sống hiện đại. Gan nhiễm mỡ được chia làm hai nhóm: gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu. Ở cả hai nhóm người ta đều nhận thấy các tế bào gan chứa đầy các hạt mỡ. Gan nhiễm mỡ do rượu là một giai đoạn trong quá trình tiến triển của bệnh gan do rượu. Nếu không điều trị tốt sẽ dẫn đến viêm và xơ gan rượu.
Nguyên nhân phát sinh bệnh gan nhiễm mỡ thường do ăn uống không hợp lý, béo phì, tâm lý căng thẳng, sự thay đổi lối sống quá nhanh, gặp nhiều khó khăn. Tất cả những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chức năng của gan và gây ra những hội chứng như gan bị suy yếu, gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ chủ yếu ở những người bị béo phì, tiểu đường, mỡ máu cao, người nghiện rượu…. Những người bị hội chứng gan nhiễm mỡ có thể xuất hiện các triệu chứng như: đau cứng cổ và vai, nhức đầu thường xuyên, đau nửa đầu, đau ở vùng bụng, dễ chóng mặt, thiếu năng lượng, mất ngủ, trầm cảm, căng thẳng, rất dễ xúc động, dễ khó chịu, dễ cáu bẩn, cholesterol cao, gan nhiễm mỡ, hội chứng ruột kích thích, vấn đề tuyến giáp, viêm niêm mạc tử cung…
Bệnh gan nhiễm mỡ không phải là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, gan nhiễm mỡ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm gan, xơ gan và những biến chứng nguy hiểm. Có đến 20% tỷ lệ người mắc bị bệnh gan nhiễm mỡ sẽ chuyển sang biến chứng xơ gan.
Không phải lúc nào những bệnh lý về gan cũng xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng. Gan đóng vai trò vô cùng quan trọng vì không chỉ có chức năng lọc máu mà còn sản sinh ra hormon để dự trữ năng lượng. Chính vì vậy, để hạn chế tiến triển của bệnh suy gan, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đồng thời cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả chữa trị một cách tốt.