Bệnh Gout gây ra do rối loạn chuyển hóa làm tăng lượng acid uric trong máu, dẫn đến các tình trạng đau nhức, sưng phù các khớp tay, chân. Xét nghiệm Gout giúp phát hiện và điều trị bệnh lý này kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc của bệnh.
1. Xét nghiệm Gout là gì?
Bệnh Gout hay còn gọi là bệnh thống phong do rối loạn các tác nhân chuyển hóa purin dẫn đến tăng lượng acid uric trong máu, lượng acid uric dư thừa không được đào thải ra ngoài, lắng đọng tại các khớp xương, gây viêm nhiễm, sưng đỏ, đau nhức. Cơn đau xuất hiện nhiều vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ, stress, căng thẳng kéo dài.
Xét nghiệm gout là xét nghiệm kiểm tra nồng độ loại acid có trong máu hoặc nước tiểu để phát hiện sự bất thường từ đó chẩn đoán, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Kết hợp với các xét nghiệm khác tiến hành kiểm tra mức độ chuyển biến và các biến chứng của bệnh lý.
2. Các loại xét nghiệm Gout cơ bản
Xét nghiệm Gout gồm 4 xét nghiệm cơ bản sau: xét nghiệm nồng độ acid uric trong máu (UA), xét nghiệm UA niệu 24 giờ, xét nghiệm dịch khớp, xét nghiệm chức năng thận.
2.1. Xét nghiệm nồng độ acid uric trong máu (UA)
Xét nghiệm này dùng để kiểm tra nồng độ acid uric trong máu bệnh nhân, đây là xét nghiệm chẩn đoán tình trạng bệnh lý, dựa vào kết quả xét nghiệm này, bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị tiếp theo. Có đến khoảng 40% bệnh nhân bị Gout, trong lần xét nghiệm nồng độ acid uric trong máu lần đầu tiên cho kết quả bình thường. Vì vậy, xét nghiệm này cần thực hiện nhiều lần để đảm bảo kết quả chính xác.
2.2. Xét nghiệm UA niệu 24 giờ
Xét nghiệm này được chỉ định sau khi người bệnh thăm khám lâm sàng, nghi ngờ có khả năng mắc Bệnh Gout cao. Xét nghiệm này giúp theo dõi tốc độ đào thải acid uric qua đường tiểu, nhằm chẩn đoán nguyên nhân của nồng độ acid uric trong máu cao là do sản xuất nhiều hay do bài tiết kém, từ đó có các phương pháp điều trị thích hợp.
2.3. Xét nghiệm dịch khớp
Xét nghiệm dịch khớp giúp kiểm tra tình trạng tổn thương của các khớp, được chỉ định đối với các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Gout hoặc những bệnh nhân mắc Gout lâu năm, chọc hút dịch khớp tại các khớp đau nhức kiểm tra sự xuất hiện của tinh thể urat, từ đó đánh giá được mức độ của bệnh lý, đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời.
2.4. Xét nghiệm chức năng thận
Xét nghiệm chức năng thận dùng trong theo dõi biến chứng của bệnh Gout đối với thận, được chỉ định đối với bệnh nhân mắc bệnh gout lâu năm, nhằm đánh giá mức độ và tiến triển của bệnh lý.
Các phương pháp xét nghiệm gout được kết hợp với một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như: chụp X- quang, CT các khớp, siêu âm,… để kết quả đảm bảo chính xác nhất.
3. Quy trình lấy mẫu xét nghiệm gout
3.1. Đối với mẫu bệnh phẩm máu
Xét nghiệm gout sử dụng mẫu máu lấy từ tĩnh mạch trên tay người bệnh. Quy trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm được tiến hành tuần tự, cụ thể như sau:
– Sát trùng vị trí lấy máu bằng cồn y tế.
– Sử dụng miếng dây garo buộc xung quanh cánh tay để giúp duy trì áp lực, đồng thời hạn chế lượng máu lưu thông qua tĩnh mạch để vị trí tĩnh mạch lấy máu sẽ căng phồng lên do máu bị ứ lại. Từ đó giúp việc đâm kim vào tĩnh mạch lấy máu dễ dàng hơn.
– Sử dụng kim y tế nhỏ đâm vào vị trí tĩnh mạch, sau đó lấy một lượng vừa đủ.
– Gỡ dây garo để tuần hoàn máu trở lại bình thường.
– Rút kim và dán miếng bông hoặc miếng băng cá nhân để cầm máu.
– Mẫu máu cuối cùng thu được được bảo quản trong một xilanh hoặc trong lọ thủy tinh chân không đã được sát trùng.
Mẫu máu của người bệnh được bảo quản trong ống có chứa chất chống đông để ngăn chặn sự hình thành của các cục máu đông.
3.2. Đối với mẫu bệnh phẩm nước tiểu
Sử dụng ống vô trùng, khi lấy mẫu nước tiểu, bệnh nhân tránh sờ vào phía trong ống vô trùng, lấy nước tiểu giữa dòng nhằm hạn chế vi khuẩn sống trong lòng niệu đạo. Mẫu nước tiểu được ly tâm, lấy phần cặn và tiến hành xét nghiệm.
4. Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm Gout
– Đối với người bình thường lượng nồng độ acid uric có trong máu như sau:
+ Nam giới: 210 – 420 μmol/L.
+ Nữ giới: 150 – 350 μmol/L.
– Đối với người bình thường nồng độ acid uric có trong nước tiểu là 2,2 – 5,5 nmol/L/24h.
Trường hợp kết quả xét nghiệm acid uric cao hơn bình thường cho thấy cơ thể đang tạo ra quá nhiều acid uric hoặc thận đang đào thải không đúng cách.
Sau khi thực hiện xét nghiệm xác định nồng độ acid uric có trong máu và nước tiểu, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ dưới 10 mg/mL thì bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống của mình sao cho phù hợp. Giảm bớt đi lượng purine nạp vào trong cơ thể là cách tốt nhất.
5. Những lưu ý khi tiến hành xét nghiệm Gout
Trước khi tiến hành xét nghiệm gout, người bệnh cần:
– Trong vòng 4 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm không nên ăn bất kỳ thứ gì.
– Không sử dụng thuốc hoặc các thực phẩm chức năng mà bác sĩ không chỉ định.
– Không uống rượu, bia, các đồ uống chứa cồn hoặc các chất kích thích như: cà phê, thuốc lá,…
– Hạn chế ăn uống thức ăn chứa nhiều tinh bột, chất béo, nhiều đạm,…
– Tránh ăn các thực phẩm có nhiều đường, bánh kẹo ngọt,…
– Nếu đang sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, cần hỏi ý kiến bác sĩ.
– Uống đủ nước, nghỉ ngơi, tạo tinh thần thoải mái