Ung thư tụy ngoại tiết: Biểu hiện, chẩn đoán, xử trí

Đối với những khối u hình thành trong tuyến tụy nội tiết, khối u này thường không phổ biến và là u lành tính. Tuy nhiên, nếu khối u bắt đầu trong tuyến tụy ngoại tiết, khối u này hầu hết sẽ là khối u ác tính (ung thư).

1. Khái niệm

Tụy là cơ quan thuộc hệ thống tiêu hóa, nằm sau dạ dày, vắt ngang trước cột sống, có chức năng nội tiết và ngoại tiết. Về nội tiết, tuy sản xuất ra các nội tiết tố góp phần điều chỉnh lượng đường trong máu… Chức năng ngoại tiết sản sinh ra enzyme hỗ trợ tiêu hóa mỡ, đạm.

Ung thư tụy ngoại tiết điển hình là ung thư tuyến ống dẫn dịch tụy xuống ruột tiêu hóa thức ăn.

Ung thư tụy ngoại tiết

2. Biểu hiện ung thư tụy

Hầu hết bệnh nhân ung thư tụy có biểu hiện đau và sụt cân, có thể gặp vàng da hoặc không.

  • Đau: là triệu chứng thường gặp. Thường đau vùng bụng trên một cách mơ hồ, có khi đau xuyên ra sau lưng. Đau không thường xuyên, ban đầu có thời gian lại đỡ đau, có khi đau tăng lên sau bữa ăn.
  • Giảm cân: thường do mất cảm giác thèm ăn – thấy đầy bụng ậm ạch dù ăn bữa nhỏ, hoặc là tiêu chảy. Thường gặp tiêu chảy phân sống kèm váng mỡ.
  • Vàng da: lòng trắng mắt (củng mạc) vàng sau đó da toàn thân vàng – đậm dần lên. Phân màu nhạt, mất màu vàng nâu thông thường; nước tiểu nâu sẫm.

3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

  • Tuổi già: 50% ca mới mắc ở độ tuổi trên 75, ít gặp ở bệnh nhân dưới 40 tuổi.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư tụy (10%).
  • Hút thuốc lá: 1 trong 3 bệnh nhân ung thư tụy có hút thuốc. Nguy cơ tăng lên gấp 5 lần nếu hút thuốc trên 30 điếu/ngày.
  • Một số bệnh nội khoa: Đái tháo đường, viêm tụy mạn, loét dạ dày, viêm dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori.

4. Chẩn đoán và đánh giá trước điều trị

  • Khám lâm sàng: Dấu hiệu thường gặp nhất là vàng da-ngứa da với nhiều vết gãi xây xước. Khám bụng ít khi sờ thấy với u nhỏ (vì tụy nằm ra phía sau). Sờ dưới sườn phải có khối căng mềm (túi mật). Giai đoạn muộn có thể gặp di căn gan lớn, báng bụng (cổ trướng) hoặc các nốt lổn nhổn thành bụng, hạch cổ…
  • Xét nghiệm máu: tăng sắc tố mật (bilirubin) chủ yếu loại kết hợp, ALP và GGT; các men gan không thay đổi hoặc chỉ tăng vừa. Phần lớn trường hợp các men tụy trong giới hạn bình thường. Với u vùng thân-đuôi tụy, xét nghiệm máu thông thường không thay đổi gì.
  • Chất chỉ điểm ung thư: thường gặp CA 19-9 tăng cao trong ung thư ống mật và tụy. Chất này cũng có thể tăng trong ung thư đại tràng, dạ dày, ung thư gan nguyên phát hoặc trong trường hợp tắc mật lành tính (do sỏi hay xơ hẹp).
Lấy máu xét nghiệm
Máu ngoại vi được sử dụng trong xét nghiệm chẩn đoán tình trạng bệnh lý
  • Chẩn đoán hình ảnh:
    • Siêu âm bụng: hình ảnh dãn đường mật trong và ngoài gan. Phát hiện được các khối u tụy trên 15mm. Có vai trò quan trọng phát hiện tổn thương di căn gan nếu có.
    • Cắt lớp vi tính: tốt hơn siêu âm trong phát hiện khối u nhỏ (> 10mm). Đánh giá mức độ u xâm lấn tại chỗ giúp quyết định khả năng cắt bỏ triệt để u.
    • Cộng hưởng từ: ứng dụng khi bệnh nhân không thể chụp CT scan. Hình ảnh điển hình với khối vùng đầu tụy và giãn đôi hai ống mật-tụy.
    • Siêu âm nội soi mật tụy: dùng ống soi dạ dày có camera quan sát kết hợp đầu dò siêu âm, phương pháp này rất hữu ích trong chẩn đoán u nhỏ <3cm. Có thế mạnh hữu ích thực hiện luôn sinh thiết u dưới hướng dẫn siêu âm.
    • PET CT: phát hiện tổn thương u >10mm. Có vai trò hơn CT scan trong phát hiện di căn xa nếu có.
    • Nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP): thường dùng đặt lòng thông để giải quyết tắc nghẽn tạm thời hơn là mục đích chẩn đoán.

5. Các giai đoạn ung thư tụy

Việc phân chia giai đoạn bệnh nhằm mô tả mức độ tiến triển và sự lan tỏa của ung thư từ đó quyết định hướng điều trị thực thụ: giai đoạn I (sớm nhất) cho đến giai đoạn IV – Khi u đã di căn đến cơ quan khác (như gan). Nói chung ung thư giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi cao hơn ung thư giai đoạn muộn.

6. Điều trị ung thư tụy

Kế hoạch điều trị ung thư tụy căn cứ trên khả năng cắt bỏ hoàn toàn khối u. Hầu hết ung thư tụy được chẩn đoán khi đã có xâm lấn ra ngoài tụy; chỉ 20% khối u còn khu trú ở tụy và có thể được cắt bỏ triệt để. Dù khối u có cắt bỏ được hay không, kế hoạch điều trị của các bệnh nhân cũng không hoàn toàn giống nhau, thông thường được quyết định bởi hội đồng ung thư gồm nhiều bác sĩ chuyên khoa.

Có thể phối hợp các phương pháp sau để áp dụng điều trị ung thư tụy hoặc cải thiện giảm nhẹ triệu chứng của bệnh, bao gồm:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị (dùng thuốc)
  • Xạ trị.

Phẫu thuật: Có hai phương án tùy thuộc giai đoạn bệnh:

  • Phẫu thuật triệt để: Khi u còn khu trú tại chỗ, hoặc chỉ mới xâm lấn kế cận thì có thể được phẫu thuật cắt bỏ. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u đem lại cơ hội lớn nhất chữa lành bệnh nhân ung thư (yêu cầu là diện cắt còn lại không còn tế bào ung thư). Phổ biến nhất là cắt khối tá-tụy (Phẫu thuật Whipple). Phẫu thuật này lấy bỏ cùng lúc phần đầu tụy, đoạn đầu ruột non (tá tràng), các hạch bạch huyết kế cận, túi mật, phần xa ống mật chủ, có thể cắt kèm phần xa dạ dày hoặc không. Sau khi cắt, dịch mật, dịch tụy và thức ăn từ dạ dày xuống ruột non được phục hồi lưu thông qua một quai ruột non khác.
Lược đồ cắt bỏ khối tá-đầu tuỵ do ung thư
Lược đồ cắt bỏ khối tá-đầu tuỵ do ung thư
  • Phẫu thuật giảm nhẹ: Trong trường hợp ung thư tụy di căn xa, hoặc xâm lấn nhiều vào các mạch máu lớn lân cận không thể cắt bỏ hoàn toàn. Phẫu thuật đôi khi được chỉ định nhằm giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thường gặp nhất là biến chứng vàng da tắc mật và tắc tá tràng. Các biện pháp can thiệp tạm thời:

Đặt nòng thông chỗ tắc (stent): thực hiện qua nội soi mật-tụy ngược dòng (ERCP). Ưu điểm xâm nhập tối thiểu, nhẹ nhàng hơn, nhanh hồi phục. Trở ngại là có thể tắc stent trở lại, biến chứng nhiễm trùng đường mật…

Nối mật – ruột: tạo kênh thông dẫn mật trực tiếp xuống ruột vượt qua chỗ tắc. Ưu điểm hiệu quả giải quyết tắc nghẽn lâu dài hơn stent, nhưng can thiệp nặng nề hơn, cần thời gian hồi phục lâu hơn.

Nối dạ dày-hỗng tràng: Với u đầu tụy xâm lấn nhiều gây tắc tá tràng (đoạn đầu ruột non) thì biểu hiện bụng ậm ạch, không tiêu, nôn mửa, dạ dày tắc dãn lớn… Phẫu thuật này giúp chuyển dòng thức ăn đi thẳng xuống ruột băng qua đoạn ruột bị tắc. Nối dạ dày-hỗng tràng thường được kết hợp đồng thời với nối mật-ruột (bắc cầu kép) để giải quyết đồng thời tắc hẹp hai vị trí.

  • Hóa trị liệu: thuốc chống ung thư giúp làm khối u chậm phát triển, hoặc làm kích thước u nhỏ lại. Thuốc có thể dùng đường uống, hoặc đường tiêm truyền và theo dòng máu tác dụng toàn thân. Tùy theo khả năng cắt bỏ hoàn toàn khối u tụy, hóa trị liệu có thể được chỉ định:
    • Trước phẫu thuật (tân bổ trợ): mục đích giảm kích thước và giai đoạn của khối u nhằm gia tăng khả năng cắt bỏ triệt để.
    • Sau phẫu thuật (bổ trợ): nhằm phá hủy tiêu diệt các tế bào u có khả năng còn sót lại do không thể cắt bỏ triệt để được hoàn toàn khối u. Mục đích giảm khả năng u tái phát.
    • Phối hợp đồng thời với xạ trị: Đôi khi áp dụng cho u tụy phát hiện sớm (nhỏ, khu trú).
  • Xạ trị: Cùng với mục đích giúp làm khối u chậm phát triển, hoặc làm kích thước u nhỏ lại. Tuỳ theo độ chính xác tập trung vào u thì liều xạ có thể áp dụng cao hơn với ít tác hại đến mô lành xung quanh khối u.
    • Xạ trị điều biến liều.
    • Xạ phẫu định vị thân.
    • Xạ 3D theo hình dạng khối u.
    • Xạ trị bằng proton.

7. Các vấn đề có thể gặp phải sau phẫu thuật tụy

Cắt khối tá-đầu tụy là một phẫu thuật rất phức tạp đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng phẫu thuật viên. Với tiến bộ của khoa học và kinh nghiệm, ngày nay tỉ lệ tử vong phẫu thuật có thể gặp từ 5 – 15% so với trước đây gần 50%. Tuy nhiên ngay cả trong điều kiện tốt nhất, biến chứng phẫu thuật vẫn là một vấn đề đáng quan tâm, có thể gặp là:

  • Rò tụy: Dò miệng nối tụy-ruột từ 2-30% tùy theo kỹ thuật và kinh nghiệm.
  • Nhiễm trùngviêm phổi do phải nằm lâu, đường tiểu, vết mổ…
  • Chảy máu: thường liên quan các mạch máu lớn nằm kế cận khối u và các miệng nối.
  • Chậm đổ tháo dạ dày (liệt dạ dày – liên quan yếu tố thần kinh): ậm ạch sau ăn, chậm tiêu..
  • Rối loạn tiêu hóa với 1 số loại thức ăn như là mỡ…
  • Giảm, sụt cân
  • Thay đổi thói quen đại tiện
  • Đái tháo đường.

8. Chăm sóc giảm nhẹ và các tác dụng phụ điều trị

Mục tiêu điều trị ung thư ngoài làm chậm, chấm dứt hoặc loại bỏ hoàn toàn khối u còn hướng đến giảm nhẹ triệu chứng và các tác dụng phụ của liệu trình điều trị. Điều trị giảm nhẹ bao gồm dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ tâm lý…

9. Kết quả điều trị và tiên lượng

Hiện nay phẫu thuật cắt bỏ triệt để khối u tụy đạt nhiều bước tiến quan trọng về kết quả và kỳ vọng: tỷ lệ tử vong liên quan phẫu thuật trung bình <5%, thời gian sống thêm trung bình từ 12-24 tháng…

10. Quá trình hồi phục sau mổ

Thời gian nằm viện sau mổ khoảng 1-3 tuần. Trong khi nằm viện bệnh nhân có thể phải mang các ống dẫn lưu:

  • Dẫn lưu dịch tụy ra ngoài (tuy ca mổ và phẫu thuật viên chọn lựa).
  • Dẫn lưu ổ bụng: dẫn thoát dịch từ ổ phúc mạc.
  • Sonde mũi-dạ dày.
  • Sonde bàng quang dẫn lưu nước tiểu.
  • Sonde truyền thuốc giảm đau ngoài màng cứng ở lưng.
  • Sonde bơm ăn nuôi dưỡng đặt vào hỗng tràng.

Đa số trường hợp các dẫn lưu được rút sớm sau mổ (trừ dẫn lưu tụy ra ngoài nếu có) hoặc trước khi ra viện. Tuy nhiên có thể có trường hợp cần mang theo dẫn lưu về nhà khi ra viện.

Chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn trước ra viện về chế độ ăn uống sau mổ. Có thể cần dùng thêm men tiêu hóa giúp ngừa tiêu chảy, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, điều chỉnh đường huyết… Việc dùng chế phẩm hỗ trợ này có thể tạm thời sau mổ, hoặc phải dùng suốt đời tùy theo diễn biến.

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Trước khi xuất viện bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc và tư vấn về chế độ dinh dưỡng

Lưu ý tự chăm sóc tại nhà:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ dễ tiêu. Sử dụng insulin, chế phẩm bổ sung men tiêu hoá theo chỉ định.
  • Đi bộ nhiều càng tốt.
  • Không mang vác vật nặng.
  • Không lái xe nếu tự dùng thuốc giảm đau gây nghiện.

Thời gian phục vụ:

7 Ngày trong tuần: Từ 07h00 đến 17h00 chiều

Là Phòng khám hàng đầu ở miền Tây nói chung và ở địa bàn Thị xã Cai Lậy, Cái Bè nói riêng. Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong là địa chỉ tin cậy khám và điều trị các bệnh về Da liễu, trong đó có bệnh vẩy phấn hồng tại Cai Lậy. Môi trường Phòng khám thân thiện, vệ sinh, vô trùng tuyệt đối. Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao sẽ mang lại sự an tâm cho bệnh nhân đến khám. Để được tư vấn và đặt lịch khám quý vị vui lòng liên hệ qua tổng đài CSKH 02736.519.919 để chúng tôi được phục vụ bạn.

Địa điểm:

Phan Văn Khỏe, Khu phố 1, Phường 1, Thị xã Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang.

Website: phongkhamsaigonmekong.com

Facebook: Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong

ung-th-ty-ngoi-tit-biu-hin-chn-on-x-tr-phng-khm-si-gn-mekong
Call Now Button