Gia tăng bệnh tim mạch
PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, hiện mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 2 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông. Bệnh lý tim mạch đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong hiện nay và đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi.
Trong số các bệnh tim mạch có các bệnh lý khác nhau đặc biệt là bệnh lý nhồi máu cơ tim tử vong cao nhất.
Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim đột ngột bị cắt đứt, gây tổn thương tế bào cơ tim và xuất hiện cơn đau ngực. Đây là kết quả của sự tắc nghẽn một hay nhiều động mạch vành. Sự tắc nghẽn phát triển chủ yếu do sự tích tụ các mảng bám lâu ngày trong lòng mạch, chủ yếu từ chất béo, cholesterol và một số chất khác.
Với mong muốn giảm thiểu tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp, cần phải nhận biết những biểu hiện xuất hiện ở giai đoạn sớm của nhồi máu cơ tim để có các phương pháp điều trị kịp thời. Triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp là đau ngực và khó thở, thì các triệu chứng xuất hiện rất đa dạng, phổ biến gồm có những triệu chứng sau: Tức nặng ngực, đau ở ngực, lưng, hàm và các nơi khác ở nửa trên cơ thể kéo dài trên 1 phút hoặc biến mất và quay trở lại, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn, choáng váng hay chóng mặt đột ngột, nhịp tim nhanh, khả năng gắng sức bị giảm sút…
Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả những người nhồi máu cơ tim cấp đều trải qua các triệu chứng giống nhau và mức độ như nhau. Đau ngực là triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo ở cả hai giới.
Dự phòng bệnh như nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim mạch đó là:
– Hút thuốc: hút thuốc lá hoặc thuốc lào đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên…
– Ít hoạt động thể lực: lười hoạt động thể lực làm tăng khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành…
– Thừa cân: thừa cân là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành. Bạn cần duy trì cân năng ở mức hợp lý.
– Căng thẳng (stress): các căng thẳng trong cuộc sống, các stress tâm lý đều được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
– Tăng cholesterol máu: tăng cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, nó là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới.
– Tăng huyết áp: tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, nó là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên… Bạn cần điều trị tăng huyết áp theo phác đồ của bác sỹ tim mạch để làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh lý tim mạch.
– Đái tháo đường: bệnh lý này là yếu tố nguy cơ rất mạnh mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch chủ và bệnh động mạch ngoại biên… Nếu bạn bị đái tháo đường, bạn cần tuân thủ điều trị bệnh này nghiêm ngặt để tránh biến chứng tim mạch.
– Yếu tố gia đình: một số bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình.
Để phòng ngừa bệnh tim mạch, mỗi người phải thay đổi lối sống khỏe mạnh như: bỏ hút thuốc, tăng cường hoạt động thể lực (chạy bộ, tập thể dục), thay đổi chế độ ăn (ăn nhạt để không mắc bệnh tăng huyết áp), giảm bớt calo vào (phòng bệnh đái tháo đường).
Đặc biệt với người trẻ hiện có lối sống thiếu lành mạnh, ít đi khám bệnh, nên thường chủ quan dẫn dến mắc cao huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch khác. Tránh đồ chiên xào, đồ nướng, thịt đỏ và tất cả những đồ ăn chứa chất béo bão hòa. Nếu ăn thịt, bạn chỉ nên ăn thịt trắng, thịt gia cầm bỏ da. Đồng thời, bạn nhớ nên ăn ít muối và hạn chế đường. Nước uống có gas hay thực phẩm đóng hộp cần bỏ bớt.