Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị suy tuyến giáp, người bệnh có thể tăng nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm với những rủi ro thầm lặng.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ một số hormone quan trọng cho cơ thể. Trong giai đoạn đầu, suy giáp có thể không gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Theo thời gian, bệnh suy giáp không được điều trị có thể dẫn đến những rủi ro thầm lặng với một số biến chứng nguy hiểm.
1. Biến chứng nguy hiểm của bệnh suy tuyến giáp
Mặc dù tuyến giáp nằm ở ngay trước cổ, thế nhưng nhiều người có thể không hề biết đến tuyến nội tiết “nhỏ mà có võ” này cho đến khi bác sĩ chẩn đoán bệnh suy giáp. Rủi ro gặp biến chứng nguy hiểm lại càng cao khi hiện nay có đến 50% người bệnh không được chẩn đoán sớm.
Tuyến giáp đóng vai trò tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất và quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Tuyến nội tiết này cũng tham gia vào nhiều chức năng khác giúp não bộ, cơ bắp và hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru. Khi tuyến giáp hoạt động kém dẫn đến suy giáp, người bệnh có nguy cơ đối diện với một số biến chứng sau đây.
2. Suy tuyến giáp và các biến chứng nguy hiểm đối với cơ thể người bệnh
2.1. Bướu cổ
Tình trạng kích thích liên tục để giải phóng nhiều hormone hơn có thể làm tăng kích thước của tuyến giáp và dẫn đến một biến chứng được gọi là bướu cổ. Mặc dù bướu cổ thường không gây khó chịu, nhưng nếu tình trạng nặng có thể có thể cản trở việc nuốt hoặc thở.
2.2. Vấn đề tim mạch
Suy giáp cũng có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim và suy tim. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay còn gọi là cholesterol “xấu” có thể xảy ra ở những người có tuyến giáp hoạt động kém.
2.3. Sức khỏe tinh thần
Trầm cảm có thể xuất hiện sớm ở giai đoạn suy giáp và có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Suy giáp cũng có thể khiến chức năng thần kinh bị chậm lại.
2.4. Bệnh thần kinh ngoại biên
Suy giáp lâu dài không kiểm soát có thể gây tổn thương các dây thần kinh ngoại vi. Đây là những dây thần kinh mang thông tin từ não và tủy sống đến phần còn lại của cơ thể như cánh tay và chân. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể gây đau, tê và ngứa ran ở các vùng bị ảnh hưởng.
2.5. Phù niêm
Biến chứng hiếm gặp và đe dọa tính mạng này là hậu quả của bệnh suy giáp lâu dài không được chẩn đoán. Các dấu hiệu và triệu chứng của phù niêm (myxedema) là da khô lạnh, đau cơ, buồn ngủ, ù tai, táo bón … Biến chứng trở nặng có thể dẫn đến hôn mê sâu và bất tỉnh
2.6. Vô sinh
Lượng hormone tuyến giáp thấp có thể cản trở quá trình rụng trứng, từ đó làm giảm khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây suy giáp – chẳng hạn như rối loạn tự miễn dịch – cũng có thể làm suy giảm khả năng sinh sản.
2.7. Dị tật bẩm sinh
Trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp không được điều trị có thể có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn so với trẻ sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh. Những đứa trẻ này cũng dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng về trí tuệ và tăng trưởng.
Những rủi ro khó lường của bệnh suy giáp không những làm giảm chất lượng sống mà còn có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Vậy làm sao để có thể phòng ngừa và tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh tuyến giáp?
3. Cách phòng tránh biến chứng của suy giáp
Bạn nên đi khám nếu cảm thấy mệt mỏi không có lý do hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào khác của bệnh suy giáp, chẳng hạn như da khô, mặt nhợt nhạt, sưng húp, táo bón, khàn giọng… Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của suy giáp, người bệnh nên tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ và bổ sung dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe tuyến giáp.
3.1. Tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ
Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc, phẫu thuật, I-ốt phóng xạ, điều trị hormone. Khi phối hợp với bác sĩ, người bệnh cũng cần duy trì lối sống lành mạnh cho cả thể chất và tinh thần như tập thể dục, nghỉ ngơi điều độ, thư giãn khi bị stress…
Đặc biệt, người bệnh suy giáp cần thực hiện chế độ dinh dưỡng bổ sung I-ốt để tăng cường sức khỏe tuyến giáp. Đây cũng là chế độ dinh dưỡng được chỉ định cho bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp và sau điều trị I-ốt phóng xạ.
3.2. Bổ sung dinh dưỡng chăm sóc tuyến giáp
Khi áp dụng chế độ dinh dưỡng bổ sung I-ốt theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh suy giáp có thể dùng các thực phẩm như trứng, thịt, cá, rau củ quả, sữa…