Bệnh polyp lòng tử cung: Những điều cần biết

Polyp lòng tử cung là bệnh lý khá thường gặp. Bệnh có thể lành tính không gây ra bất cứ khó chịu gì cho người bệnh, tuy nhiên 1 số trường hợp có thể gây xuất huyết buồng tử cung, gây triệu chứng khó chịu trong ngày hành kinh. Đặc biệt polyp buồng có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai của người phụ nữ.

1. Polyp lòng tử cung là gì?

Polyp lòng tử cung hay còn gọi là polyp nội mạc tử cung (Endometrial polyps) là những khối u nhỏ, mềm phát triển trong lòng tử cung. Hình thành polyp do sự phát triển quá mức của lớp tế bào lót mặt trong tử cung – lớp nội mạc tử cung. Do đó, polyp tử cung còn được gọi là polyp nội mạc tử cung. Thông thường chúng thường có cuống nối vào thành tử cung, có mạch máu ở chính giữa cuống này để cung cấp máu cho polyp.

Kích thước polyp có thể từ vài milimet (mm) đến vài centimet (cm), một hoặc đa polyp, có cuống hoặc không có cuống, và có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trong khoang tử cung.

polyp lòng tử cung
Kích thước polyp lòng tử cung khác nhau ở mỗi người bệnh

2. Polyp tử cung có nguy hiểm không?

Những polyp tử cung này hầu hết là khối u lành tính. Những trường hợp lành tính có thể không cần điều trị gì thêm.

Tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ có thể liên quan đến ung thư sau đó. Nguy cơ dẫn đến ung thư cao hơn ở những phụ nữ quanh tuổi mãn kinh hoặc đã mãn kinh. Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ để loại trừ các khả năng ác tính.

Polyp tử cung có thể gây ra vô sinh. Do khối polyp chiếm chỗ trong lòng tử cung khiến phôi thai không thể làm tổ. Do đó, bệnh nhân thường khó có thai hay dễ bị sảy thai.

vô sinh
Trong nhiều trường hợp polyp tử cung có thể gây vô sinh

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh lý này rất hiếm gặp ở tuổi vị thành niên. Đa số các trường hợp được cho rằng có liên quan đến sự gia tăng nồng độ và tác động estrogen nội sinh hay ngoại sinh.

Hiện nay, nguyên nhân chính xác tại sao người phụ nữ có polyp tử cung vẫn chưa giải thích được.

Những yếu tố nguy cơ được cho là liên quan đến sự phát triển của khối polyp:

  • Tamoxifen: Một loại thuốc được sử dụng điều trị những trường hợp ung thư vú
  • Béo phì: Phụ nữ có BMI ≥30 có tỷ lệ polyp lòng tử cung cao hơn đáng kể so với những phụ nữ khác
  • Một số yếu tố nguy cơ khác được nhắc đến như: Liệu pháp điều trị hormon thay thế ở những phụ nữ hậu mãn kinh có chứa estrogen, Hội chứng Lynch và Cowden…
  • Tăng huyết áp.
Béo phì
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc polyp lòng tử cung

4. Chẩn đoán polyp lòng tử cung như thế nào?

Polyp buồng tử cung có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Xuất huyết tử cung bất thường. Tính chất xuất huyết: thường giữa chu kỳ, rỉ rả; hoặc xuất huyết nặng hơn trong chu kỳ (cường kinh).
  • Có thể kèm theo đau bụng, thiếu máu.
  • Một số trường hợp không biểu hiện triệu chứng, được phát hiện tình cờ khi khảo sát hiếm muộn, hoặc qua xét nghiệm tế bào học CTC, sinh thiết buồng tử cung

Với những triệu chứng gợi ý, bác sĩ sẽ đề nghị một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để chẩn đoán và phân biệt các nguyên nhân khác:

  • Siêu âm qua ngã âm đạo. Qua hình ảnh này, bác sĩ sẽ thấy khối polyp với cuống rất rõ ràng hoặc nghi ngờ khi thấy lớp nội mạc tử cung dày bất thường.
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung. Phương pháp này sử dụng nước muối bơm vào trong lòng tử cung, làm căng buồng tử cung. Sau đó dùng siêu âm để dựng lại hình ảnh và quan sát các cấu trúc bất thường trong lòng cũng như thành tử cung.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung. Bác sĩ sẽ lấy một hay nhiều mẫu mô tế bào này để tìm các bệnh viêm nhiễm hay ung thư tử cung.
  • Nội soi buồng tử cung. Với thủ thuật này, bác sĩ sẽ đặt một ống nội soi nhỏ qua âm đạo và cổ tử cung vào buồng tử cung. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đưa dụng cụ để cắt bóc polyp trong lúc nội soi.
Nội soi buồng tử cung
Nội soi buồng tử cung giúp chẩn đoán polyp lòng tử cung

5. Điều trị polyp lòng tử cung

5.1 Theo dõi

Khoảng 6,3% polyp lòng tử cung sẽ thoái triển, nhất là những trường hợp polyp kích thước < 10 mm. Do đó khối polyp nhỏ và không có triệu chứng có thể không cần phải điều trị gì. Vấn đề điều trị cho những khối polyp nhỏ chỉ nên đặt ra khi có tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

5.2 Điều trị nội khoa

Dụng cụ tử cung chứa Levonorgestrel, có thể ngừa hình thành polyp, nhất là ở những trường hợp có dùng tamoxifen.

Dùng GnRH đồng vận trước khi thực hiện phẫu thuật cắt polyp. Hiệu quả của phương pháp này không khác biệt so với cắt polyp đơn thuần mà không cần điều trị GnRH đồng vận.

5.3 Chỉ định ngoại khoa

Phẫu thuật nội soi buồng tử cung cắt polyp được chỉ định cho hầu hết các trường hợp. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, hiệu quả cao, thời gian nằm viện ngắn. Chỉ định trong từng trường hợp cụ thể.

Đối với phụ nữ tiền mãn kinh

  • Nếu có triệu chứng, cần phải tiến hành cắt polyp bất kể giai đoạn nào.
  • Nếu không có triệu chứng, chỉ định cắt polyp chủ yếu liên quan đến việc đánh giá nguy cơ tăng sản niêm mạc tử cung hoặc bệnh lý ác tính.
  • Ngoài ra tất cả các trường hợp không triệu chứng được chỉ định cắt polyp khi: Kích thước > 1.5cm, đa polyp, khối polyp thò ra ngoài cổ tử cung, có polyp ở những trường hợp hiếm muộn

Phụ nữ cần đi khám nếu rong kinh chưa rõ nguyên nhân, rong kinh nhiều tránh gây thiếu máu, ảnh hưởng sức khỏe và công việc. Ngoài ra, nên khám phụ khoa định kỳ để tìm bất thường khác.

Đối với phụ nữ hậu mãn kinh nguy cơ ác tính cao hơn. Do đó ở những phụ nữ mãn kinh có polyp lòng tử cung dù có hay không có triệu chứng đều cần được chỉ định cắt polyp.

bnh-polyp-lng-t-cung-nhng-iu-cn-bit-phng-khm-si-gn-mekong
Call Now Button