Viêm ống tai ngoài (Viêm tai ngoài): Những điều cần biết

Viêm ống tai ngoài hay còn gọi là viêm tai ngoài, là một bệnh lý thường gặp của tai. Nó xảy ra phổ biến ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn bơi lội nhiều. Viêm tai ngoài đa số tự khỏi, nhưng cũng có thể tiến triển nguy hiểm trong một số trường hợp. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các biểu hiện của viêm tai ngoài. Cũng như những dấu hiệu nguy hiểm nào mà bạn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay. Đồng thời cũng liệt kê các cách đơn giản bạn có thể làm để bảo vệ gia đình mình khỏi căn bệnh này.

1. Viêm ống tai ngoài là gì?

Viêm ống tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm của lỗ tai ngoài và ống tai ngoài. Ống tai ngoài là phần kéo dài từ lỗ tai vào đến màng nhĩ.

Bản thân viêm ống tai ngoài không phải là một bệnh truyền nhiễm.

viêm ống tai 1
Giải phẫu tai người

2. Nguyên nhân của viêm tai ngoài

Bơi lội có thể dẫn tới viêm ống tai ngoài. Vì nước tồn đọng trong ống tai trở thành nơi cho vi khuẩn phát triển.

Viêm nhiễm cũng có thể xảy ra khi lớp da mỏng lót bên trong ống tai bị tổn thương. Cào gãi ống tai, sử dụng tai nghe không phù hợp, hay ngoáy tai bằng que gòn đều có thể làm tổn thương lớp bảo vệ mỏng manh này. Khi lớp da này bị tổn thương, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây viêm ống tai ngoài.

Ráy tai là chất bảo vệ tự nhiên của tai để chống lại nhiễm trùng. Nhưng tình trạng bị ẩm ướt thường xuyên hay trầy xước da ống tai có thể làm cho ráy tai không còn thực hiện được chức năng bảo vệ của nó. Điều này làm nhiễm trùng dễ xảy ra hơn.

viêm ống tai 2
Tự quáy tai bằng que gòn có thể gây tổn thương da ống tai và dẫn đến viêm ống tai ngoài

3. Ai có nhiều nguy cơ mắc bệnh?

Ai cũng có thể bị viêm ống tai ngoài, nhưng những người dưới đây có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn cả:

  • Bơi lội thường xuyên. Bơi lội là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến viêm ống tai ngoài. Đặc biệt khi bơi lội trong vùng nước có mật độ vi khuẩn cao. Nước hồ bơi được xử lý bằng clo đầy đủ thì có ít nguy cơ lây lan vi khuẩn hơn.
  • Tắm rửa hay rửa tai bằng nước quá thường xuyên. Điều này cũng có thể khiến tai dễ ứ đọng nước và dẫn đến viêm nhiễm.
  • Trẻ em. Ống tai trẻ em thường nhỏ hơn người lớn nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều này là do ống tai ngoài càng hẹp thì nguy cơ nước bị đọng lại bên trong càng cao.
  • Sử dụng tai nghe hay các thiết bị trợ thính thường xuyên.
  • Viêm da dị ứng, chàm
  • Kích thích da vùng ống tai do các hóa chất dùng cho tóc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
viêm ống tai 3
Bơi lội là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến viêm ống tai ngoài 

4. Dấu hiệu của viêm tai ngoài

Các triệu chứng của viêm ống tai ngoài bao gồm:

  • Sưng nề ống tai
  • Đỏ da ống tai
  • Nóng, đau hoặc cảm giác khó chịu trong tai.
  • Ngứa tai
  • Chảy dịch, chảy mủ tai
  • Ù tai hoặc nghe kém

Đau nhiều vùng mặt, đầu hay cổ có thể là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã tiến triển đáng kể. Triệu chứng đi kèm như sốt hay sưng đau các hạch có thể chỉ điểm nhiễm trùng nặng hơn. Nếu bạn có các dấu hiệu ở tai đi kèm với các biểu hiện này, bạn nên đến khám bác sĩ ngay.

viêm ống tai 4
Đau tai là một biểu hiện thường gặp của viêm tai ngoài

5. Viêm tai ngoài ở trẻ em có gì khác người lớn?

Trẻ em, đặc biệt những bé thường hay bơi lội, nghịch nước thì càng có nguy cơ mắc viêm tai ngoài cao hơn. Đồng thời, ống tai trẻ em nhỏ hơn so với người lớn, càng làm cho nước khó thoát ra khỏi tai. Do đó làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ống tai.

Đau tai là triệu chứng thường gặp nhất trong viêm ống tai ngoài. Ở trẻ nhỏ chưa biết nói, có thể có các biểu hiện:

  • Tự kéo, gãi tai
  • Khóc khi đụng vào tai
  • Chảy dịch từ tai
  • Sốt
  • Quấy khóc nhiều hơn bình thường hoặc khó ngủ

>> Viêm ống tai ngoài có thể gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ. Tìm hiểu bài viết về nhận biết và xử lý các vấn đề thính lực của trẻ càng sớm càng tốt!

viêm ống tai 5
Trẻ khóc khi đụng vào tai có thể là dấu hiệu của viêm tai ngoài 

6. Biến chứng và những dấu hiệu nguy hiểm của viêm tai ngoài

Nếu viêm ống tai ngoài không được điều trị và không thể tự lành, nó có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Nếu thuộc những trường hợp dưới đây, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

  • Áp xe có thể phát triển xung quanh tai. Cần được rạch dẫn lưu ổ áp xe.
  • Viêm nhiễm ống tai kéo dài có thể khiến ống tai ngoài bị hẹp đi. Điều này ảnh hưởng đến sức nghe.
  • Rách hay thủng màng nhĩ. Tình trạng này thường do bệnh nhân tự đưa vật gì vào ngoáy tai. Dấu hiệu của thủng màng nhĩ bao gồm nghe kém, ù tai, chảy dịch hoặc máu từ tai.
  • Viêm tai ngoài hoại tử (ác tính) thường hiếm xảy ra. Nhưng đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng. Thường gặp ở người đái tháo đường hay suy giảm miễn dịch.

Người bị suy giảm miễn dịch thường có nhiều nguy cơ mắc bệnh. Ở những trường hợp này, nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong. Đây là tình trạng cấp cứu y khoa, triệu chứng bao gồm:

  • Đau tai, đau đầu nặng, đặc biệt về đêm
  • Chảy dịch tai kéo dài
  • Liệt mặt (méo miệng) bên phía tai bị viêm
  • Lộ xương trong ống tai

7. Viêm tai ngoài được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm tai ngoài bằng cách hỏi triệu chứng của bạn và quan sát bằng đèn soi tai. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho nội soi tai để quan sát bên trong kỹ hơn.

viêm ống tai 6
Quan sát bằng đèn soi tai

8. Điều trị viêm tai ngoài như thế nào?

Viêm tai ngoài có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì.

Nếu không tự khỏi thì bệnh thường có thể điều trị tốt bằng thuốc kháng sinh nhỏ tai.

Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh và kháng viêm để làm giảm sưng nề ống tai. Các thuốc nhỏ tai này thường được sử dụng vài lần trong ngày, từ 7 đến 10 ngày.

Nếu viêm ống tai ngoài gây ra do nấm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng nấm nhỏ tai. Viêm tai ngoài do nấm thường xảy ra ở người đái tháo đường hay người bị suy giảm miễn dịch.

Để giảm triệu chứng của bệnh, cần phải giữ cho tai khô ráo. Khi đó nhiễm trùng có thể lành nhanh hơn.

Thuốc giảm đau tự mua được như ibuprofen hay acetaminophen có thể giảm đau tai. Trong trường hợp đau dữ dội, mới cần đến những thuốc giảm đau kê đơn.

9. Các biện pháp phòng tránh viêm ống tai ngoài

Phòng ngừa luôn tốt hơn là điều trị. Giữ tai càng khô ráo càng làm giảm nguy cơ viêm nhiễm ống tai ngoài.

Những biện pháp để bảo vệ bạn và gia đình khỏi viêm tai ngoài bao gồm:

  • Sử dụng cục bông gòn nhỏ hay nút bịt tai mềm để ngăn nước không chảy vào tai trong lúc tắm. Nếu nước lọt vào tai thì lắc nhẹ, nghiêng đầu cho nước chảy ra rồi lau cửa tai bằng khăn sạch.
  • Sử dụng mũ bơi hay nút bịt tai khi bơi lội.
  • Dùng khăn lâu khô vùng đầu và tai sau mỗi lần bơi lội hay tắm.
  • Tránh cào, ngoáy hay sử dụng những dụng cụ có thể khiến tai bị tổn thương như que tăm bông,…
  • Không nên tự lấy ráy tai
  • Sử dụng hỗn hợp gồm giấm và cồn isopropyl (còn có tên là rubbing alcohol, có bán ở các hiệu thuốc với nồng độ 70%). Hỗn hợp này giúp làm khô lượng nước còn đọng trong tai sau khi bơi lội. Bao gồm 50% cồn, 25% giấm và 25% nước cất. Bạn có thể nhỏ 5-10 giọt vào mỗi tai sau khi bơi lội, giữ trong vài phút rồi nghiêng đầu để phần còn lại chảy ra rồi lâu khô.
viêm ống tai 7
Cho trẻ sử dụng nón bơi trùm kín tai hoặc nút bịt tai khi bơi

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp nó có thể diễn tiến nặng. Luôn theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm để đến khám bác sĩ kịp thời. Bạn có thể bảo vệ bản thân và gia đình khỏi viêm tai ngoài thông qua những việc làm đơn giản đã nêu trên.

vim-ng-tai-ngoi-vim-tai-ngoi-nhng-iu-cn-bit-phng-khm-si-gn-mekong
Call Now Button