Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm xảy ra ở nhiều khớp. Đây là bệnh lý mạn tính do rối loạn hệ miễn dịch gây ra. Bệnh càng tiến triển nặng thì các hệ xương, khớp, càng bị phá hủy nhiều, hơn nữa còn gặp những tổn thương khác trên cơ thể như mắt, da, tim, phổi, mạch máu,… Người bệnh viêm khớp dạng thấp cần đi khám và điều trị tích cực để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
1. Viêm khớp dạng thấp do nguyên nhân nào?
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp, bệnh do rối loạn hệ miễn dịch gây ra khiến cơ thể tự tấn công vào các mô xương – khớp. Khác với các bệnh viêm xương khớp khác thường phát triển từ viêm, mòn xương khớp, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng trực tiếp đến niêm mạc khớp gây xói mòn, biến dạng khớp nghiêm trọng hơn.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý khá phổ biến, nhất là ở đối tượng từ 20 – 40 tuổi và nữ giới chiếm số đông hơn so với nam giới. Bệnh tiến triển gây nhiều hậu quả nặng nề cho xương khớp cũng như sức khỏe, lại không thể chữa khỏi hoàn toàn nên người bệnh cần phát hiện, điều trị tích cực từ sớm.
Cơ chế dẫn đến viêm khớp dạng thấp do hoạt động bất thường của hệ miễn dịch đã được xác định, song nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết đến. Các nhà khoa học cho rằng, yếu tố di truyền liên quan đến một số gen đặc biệt khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, ngoài ra nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân dễ gây khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp.
2. Giai đoạn tiến triển của viêm khớp dạng thấp
Theo thời gian, nếu không được điều trị tốt, viêm khớp dạng thấp sẽ tiến triển nặng dần, gây tổn thương nghiêm trọng và triệu chứng cũng xuất hiện nhiều hơn. Cụ thể 4 giai đoạn tiến triển của viêm khớp dạng thấp xảy ra như sau:
2.1. Giai đoạn 1
Ở giai đoạn này, hệ miễn dịch chưa tấn công nhiều gây hậu quả nghiêm trọng cho niêm mạc khớp. Người bệnh mới chỉ bị viêm màng trên khớp dẫn đến đau, sưng khớp không thường xuyên. Các tế bào miễn dịch tập trung nhiều ở vùng xương khớp bị viêm nhiễm khiến lượng tế bào này trong dịch khớp tăng cao.
2.2. Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 của bệnh viêm khớp dạng thấp được đánh giá đã gây những hậu quả nhất định cho hệ thống xương khớp và sức khỏe. Lúc này, tình trạng viêm trong mô đã xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng. Cùng với đó, mô xương phát triển sẽ ảnh hưởng tới không gian khoang khớp và trên sụn, từ đó phá hủy sụn khớp.
Hậu quả là các khớp cũng thu hẹp dần do sụn mất đi, song chưa dẫn đến dị dạng khớp.
2.3. Giai đoạn 3
Viêm khớp dạng thấp giai đoạn 3 là giai đoạn nặng, khi sụn khớp đã bị mất đi khiến các khớp tổn thương nghiêm trọng. Triệu chứng bệnh giai đoạn này xuất hiện rõ ràng, nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người bệnh như: đau khớp, sưng tấy khớp, cứng khớp, hạn chế vận động,…
Thậm chí, viêm khớp dạng thấp giai đoạn 3 còn dẫn tới suy nhược cơ thể, teo cơ, xuất hiện những nốt sần dị dạng ở khớp.
2.4. Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn cuối của bệnh viêm khớp dạng thấp, tình trạng viêm đã giảm đi nên người bệnh thấy ít sưng đau hơn. Tuy nhiên tổn thương xương khớp đã không thể phục hồi, các mô xương và xương chùng hình thành gây biến dạng khớp, ngừng chức năng khớp.
Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp theo từng giai đoạn tiến triển là khác nhau, đây cũng là thông tin quan trọng để bác sĩ chẩn đoán bệnh. Nếu phát hiện và điều trị sớm từ giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể kiểm soát làm chậm tiến triển bệnh, bảo vệ cấu trúc xương khớp tốt hơn.
3. Các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hoàn toàn, bác sĩ chỉ định điều trị với các phương pháp hỗ trợ nhằm: cải thiện triệu chứng, giảm tổn thương xương khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các nghiên cứu đã chứng minh, điều trị sớm sử dụng thuốc chống thấp khớp đem lại hiệu quả kiểm soát bệnh tốt, người bệnh gặp ít đau đớn và duy trì chức năng khớp tốt hơn.
Tùy vào tình trạng bệnh, các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp sau đây được chỉ định:
3.1. Điều trị bằng thuốc
Tùy vào mức độ bệnh và triệu chứng mà các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp sau được chỉ định:
Thuốc chống viêm không Steroid NSAID: tác dụng giảm đau, giảm viêm tốt như Naproxen, Ibuprofen,…
Thuốc Corticosteroid: tác dụng giảm đau, giảm viêm, làm chậm tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp, điển hình như prednisone.
Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh: tác dụng làm giảm tiến triển của viêm khớp dạng thấp, ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn để duy trì chức năng và hoạt động của khớp.
Thuốc sinh học: có công dụng sửa đổi phản ứng sinh học, được chỉ định khi các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp trên không có hiệu quả tốt.
3.2. Phẫu thuật
Nếu không đáp ứng điều trị tốt với thuốc, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật để khắc phục, sửa chữa lại những tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp. Từ đó giúp khôi phục chức năng khớp, giảm đau hiệu quả.
Các phẫu thuật viêm khớp dạng thấp bao gồm: Phẫu thuật nội soi loại bỏ lớp lót khớp bị viêm, phẫu thuật chỉnh trục, sửa chữa gân, thay thế toàn bộ khớp,…
3.3. Điều trị hỗ trợ
Ngoài hai phương pháp chính điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân cũng được hướng dẫn các biện pháp điều trị hỗ trợ sau nhằm cải thiện triệu chứng bệnh, hạn chế tổn thương như:
Dùng dụng cụ hỗ trợ đi lại, giảm gánh nặng cho khớp.
Bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng xương khớp.
Tập vận động chống co rút gân, teo cơ, dính khớp.
Như vậy, viêm khớp dạng thấp là bệnh lý nguy hiểm, khó điều trị do rối loạn hệ miễn dịch tự tấn công vào màng lót khớp. Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh lý này cũng chưa được xác định nên rất khó để phòng ngừa, cách tốt nhất là đi khám khi có dấu hiệu bệnh hoặc sàng lọc sớm khi gia đình có người mắc bệnh.
Điều trị từ sớm giúp kiểm soát triệu chứng viêm khớp dạng thấp hiệu quả hơn, người bệnh cũng duy trì được chức năng xương khớp tốt trong thời gian dài. Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong qua Hotline 02736.519.919 để được hỗ trợ