Viêm amidan hốc mủ có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em. Viêm amidan hốc mủ không được điều trị sớm, điều trị đúng sẽ gây biến chứng nguy hiểm.
Amidan là tổ chức lympho ở họng (xem hình dưới) có chức năng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên.
1. Nguyên nhân gây viêm amidan
Có nhiều nguyên nhân gây viêm amidan, trong đó hay gặp nhất là do điều kiện môi trường sinh sống thay đổi như nóng quá, lạnh quá…, dễ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn ở vùng họng miệng phát triển gây bệnh .
Đối với với viêm amidan mạn tính còn có nguyên nhân là do viêm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm họng mạn tính.
2. Viêm amidan hốc mủ do đâu?
Khi vi khuẩn xâm nhập vào họng, vòm mũi họng, hốc mũi các kháng thể được tổ chức lympho amidan tạo ra “bắt” các vi khuẩn và tiêu diệt chúng. Khi đó amidan thường sưng đỏ, đau. Do phải chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lặp đi lặp lại nhiều lần tại các khe amidan xuất hiện các ổ mủ – đó là mô viêm hoại tử và xác vi khuẩn – màu trắng xám thường nhỏ bằng nửa hạt cơm, khi đó khi nhìn vào amidan ta thấy có các cục mủ, người ta gọi là viêm amidan hốc mủ.
3. Triệu chứng của viêm amidan hốc mủ
Khi mắc viêm amidan hốc mủ người bệnh thường có biểu hiện đau nhẹ, cảm giác vướng họng. Khi khám họng sẽ thấy trong các khe amidan có các cục mủ lấm tấm màu trắng hoặc xanh. Dùng cây đè lưỡi đè vào amidan cục mủ có thể rơi ra.
Người bệnh có thể ho khạc ra cục mủ có màu trắng xám, mùi hôi. Trường hợp viêm amidan hốc mủ đợt cấp có thể đau họng nhiều, sốt, ho, amidan sưng đỏ.
Chẩn đoán amidan hốc mủ đựa vào tiền sử viêm họng, đau họng, có thể sốt, ho, nuốt đau. Khám amidan thấy amidan sưng đỏ, có mủ trong các khe amidan. Làm xét nghiệm sinh hóa máu thường thấy bạch cầu tăng cao.
4. Biến chứng của viêm amidan hốc mủ
Điều trị bệnh viêm amidan không khó bởi ngày nay có nhiều thuốc và được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng có thể gặp các biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân:
– Viêm amidan đợt cấp
Biến chứng thường gặp của viêm amidan hốc mủ là viêm amidan đợt cấp, khi đó người bệnh đau họng, rát cổ, nuốt đau. Sốt cao 39 – 40 độ. Có thể khàn tiếng. Khi khám thấy amidan sưng to, đỏ, các khe amidan có mủ kèm với bề mặt amidan có lấm tấm nhiều giả mạc trắng hoặc xanh.
– Áp xe quanh amidan
Khi viêm amidan vi khuẩn gây viêm bao amidan, tạo ra các ổ mủ quanh bao amidan gây áp xe quanh amidan: người bệnh sốt cao, bạch cầu tăng cao, đau họng, ho. Nếu không được điều trị tích cực và dẫn lưu mủ khối áp xe có thể vỡ mủ vào phổi gây viêm phổi, áp xe phổi và có thể gây nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm.
– Viêm khớp, viêm van tim
Đây là một trong những biến chứng toàn thân của viêm họng nói chung và viên amidan nói riêng.
– Viêm thận
Biến chứng gây viêm thận thường kéo dài, triệu chứng không rầm rộ nên ít người quan tâm điều trị nên dễ dẫn đến suy thận.
– Viêm phế quản, viêm phổi
Do amidan viêm, mủ từ amidan chảy xuống họng vào phổi gây viêm phế quản, viêm phổi. Người bệnh ho, sốt cao, khó thở. Ở trẻ em và người già dễ dẫn đến viêm phổi.
5. Điều trị viêm amidan hốc mủ
Tùy từng trường hợp cá nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp. Có thể lựa chọn điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
– Điều trị nội khoa:
Dựa vào chẩn đoán bác sĩ điều trị bệnh viêm amidan hốc mủ theo phác đồ: Kháng sinh, kháng viêm giảm đau, hạ sốt. Thuốc sát khuẩn súc họng…
– Điều trị ngoại khoa:
Viêm amidan mạn thường lặp đi lặp lại nếu nếu một năm viêm trên 4 lần thì cần cắt amidan. Trường hợp đã gây biến chứng vào khớp, vào van tim hay viêm thận cần phải cắt dù viêm một năm ít hơn 4 lần.
Nên giữ amidan cho các trẻ đến 10 tuổi mới cắt sẽ tốt hơn bởi amidan tham gia vào hệ miễn dịch cho các bé, trừ trường hợp gây biến chứng.
Ngày nay có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt amidan như cắt bằng dao điện, bằng phương pháp bóc tách, bằng Plasma và bằng sóng Radio cao tần.
Viêm amidan hốc mủ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh, bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Người bệnh viêm amidan hốc mủ cần lưu ý một số vấn đề về chế độ ăn uống và sinh hoạt để tránh làm bệnh nghiêm trọng hơn. Một số lưu ý và lời khuyên dành cho người bệnh viêm amidan hốc mủ bao gồm: Giữ gìn vệ sinh răng miệng, vùng họng hợp lý.
Người bệnh có thể súc miệng bằng nước muối ấm để cải thiện các dấu hiệu viêm amidan và ngăn ngừa các bệnh răng miệng. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng.
Ngoài ra, cần sử dụng khẩu trang và các vật dụng bảo hộ khi cần đi ra ngoài. Những người làm việc ở môi trường nhiều khói bụi, hóa chất nên sử dụng quần áo bảo hộ, che chắn mũi, miệng cẩn thận.