Các bệnh tiêu hóa thường gặp ngày Tết chủ yếu đến từ các thực phẩm truyền thống và văn hóa ăn uống. Bệnh tiêu hóa phổ biến liên quan đến thực quản, dạ dày, dẫn đến tình trạng khó tiêu, trào ngược hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết dạ dày. Để đón một mùa Tết vui khỏe, mọi người cần lưu ý chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhằm phòng tránh các bệnh tiêu hóa thường gặp này.
Các bệnh tiêu hóa sau tết thường dễ mắc phải?
Bệnh tiêu hóa sau Tết thường dễ mắc phải đến từ nguyên nhân chính là sự tiêu thụ các loại thực phẩm mà bạn tiêu thụ. Các bệnh về đường tiêu hóa phổ biến là sự tổn thương của các cơ quan dạ dày, thực quản và đôi khi là trực tràng và hậu môn.
Chức năng chính của hệ tiêu hóa là tiếp nhận và phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng. Từ đó, cơ thể có thể hấp thụ các chất này vào máu, biến thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Do vậy, chất lượng thức ăn và chế độ dinh dưỡng được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu hóa ở người.
Thói quen ăn uống liên tục ngày Tết, ở một số người còn là tiêu thụ lượng cồn từ rượu bia không kiểm soát sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Cụ thể, dạ dày sẽ bị kích ứng khi tiếp nhận những thực phẩm nhiều gia vị, khó tiêu hóa và rượu bia trong nhiều ngày liên tiếp. Từ đó, quá trình phân hủy và chuyển hóa thức ăn trở nên quá tải, nhạy cảm và dễ bị kích thích hơn bất cứ lúc nào.
Những bệnh tiêu hóa thường gặp trong ngày tết phổ biến gồm đầy hơi, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày. Đôi lúc cũng xảy ra những trường hợp nặng hơn như ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa.
1. Đầy hơi chướng bụng
Đầy hơi chướng bụng là tình trạng hệ tiêu hóa suy giảm chức năng, thường gặp nhất trong những dịp Tết. Bệnh là sự đầy hơi do khí hoặc chất lỏng, chất tiêu hóa tích tụ trong cơ thể. Đầy hơi chướng bụng đi kèm với cảm giác khó chịu ở vùng bụng và thượng vị do sự “mắc kẹt” của thức ăn chưa kịp tiêu hóa bên trong cơ thể.
Nguyên nhân dẫn đến đầy hơi chướng bụng ngày Tết đến từ những bữa tiệc liên tục, hành vi ăn uống không kiểm soát. Điều này không chỉ là tích tụ thức ăn nhiều dẫn đến quá tải cho hệ tiêu hóa, mà còn gây ra tình trạng rối loạn co cơ, yếu cơ bụng và tích tụ khí. Từ đó dẫn đến tự tích tụ thức ăn, đặc biệt là chất béo khiến cho hệ tiêu hóa không kịp phân hủy.(2)
2. Ợ chua
Ợ chua là một trong những triệu chứng đầu tiên của các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Cảm giác chua, nóng ra xuất hiện khi người bệnh ợ lên là do acid tiết ra từ dạ dày. Vì thế, ợ chua cũng được xem là tình trạng trào ngược acid dạ dày. Và tình trạng này có khả năng rất cao tiến triển thành trào ngược dạ dày thực quản, làm bỏng thực quản.
Người bệnh sẽ cảm nhận rất rõ ràng cảm giác nóng rát ở vùng giữa ngực – thượng vị, đi kèm là vị chua trong miệng.
Nguyên nhân gây ra ợ chua đến từ các loại thực phẩm kích thích sự tiết acid bên trong dạ dày, khiến cho hoạt động này trở nên bất thường. Những thực phẩm này bao gồm:
- Đồ uống chứa cồn như rượu bia
- Thực phẩm quá nhiều chất béo xấu
- Sô cô la
- Các thực phẩm cay nóng
- Thuốc lá cũng là nguyên nhân gây ợ chua
3. Ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn
Ngộ độc thực phẩm và dị ứng thức ăn là hiện tượng cơ thể không tiếp nhận được thức ăn đưa vào. Những loại thực phẩm không được tiếp nhận này thường là do hư hỏng, hoặc chứa phần thành phần dị ứng với cơ thể. Lúc này, hệ tiêu hóa sẽ có phản ứng với những thực phẩm này nhằm đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.
Tùy vào lượng chất độc trong thức ăn mà người bệnh tiêu thụ mà các triệu chứng sẽ khác nhau. Những triệu chứng thông thường của ngộ độc thực phẩm và dị ứng thức ăn là:
- Buồn nôn và nôn
- Suy giảm sức khỏe
- Cơ đau thắt ở bụng và thượng vị
- Ớn lạnh
Những triệu chứng này sẽ xuất hiện ngay sau vài giờ người bệnh ăn các thực phẩm gây nhiễm trùng dẫn đến ngộ độc hoặc dị ứng.
4. Táo bón
Táo bón xảy ra khi nhu động ruột giảm tần suất hoạt động khiến phân khó đi qua hậu môn và được đào thải ra ngoài. Táo bón là hiện tượng xảy ra do sự thay đổi thói quen ăn uống và chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ. Táo bón gây khó chịu cho người bệnh vì cảm giác trướng bụng, khó đi vệ sinh (đi cầu). Một số trường hợp nặng, người bệnh sẽ có các cơn đau bụng dữ đội và đi cầu có máu.
Các triệu chứng của táo bón bao gồm:
- Phân khô cứng hoặc vón cục
- Tần suất đi vệ sinh ít hơn 3 lần/tuần
- Trướng bụng, buồn nôn
- Không cảm thấy đã đi sạch phân sau khi đi vệ sinh
- Đau bụng, chuột rút
5. Tiêu chảy
Tiêu chảy là hiện tượng phân ra ngoài ở thể lỏng và nhiều nước. Người bị tiêu chảy cấp tính thường là do ăn phải các thức ăn không vệ sinh, người bệnh bị nhiễm trùng qua đường ăn uống.
Ngoài ra, khó tiêu hóa thức ăn hoặc dị ứng thực phẩm cũng có thể gây ra tiêu chảy. Bạn có thể nhận biết mình bị tiêu chảy thông qua những dấu hiệu lâm sàng sau đây:
- Phân lẫn máu
- Mất nước
- Đau bụng, đầy hơi
- Sốt
Những bệnh tiêu hóa ngày Tết thường gặp bao gồm tiêu chảy bởi thói quen ăn uống liên tục, cùng với các loại thức ăn để qua ngày, bảo quản chưa phù hợp là tác nhân khiến bạn gia tăng khả năng bị nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa.
6. Đau dạ dày
Đau dạ dày là cảm giác đau thắt ở vùng thượng vị, gây ra những triệu chứng như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát vị trí thượng vị, đôi lúc gây buồn nôn và nôn. Tất cả những điều này là do tổn thương hoặc nhiễm trùng ở thành niêm mạc dạ dày.
Nguyên nhân gây ra đau dạ dày khá đa dạng, gồm 2 nguyên nhân phổ biến nhất đến từ chất lượng thực phẩm và rối loạn hệ tiêu hóa. Trong đó, chất lượng thực phẩm là nguyên nhân thường gặp nhất trong các trường hợp đau dạ dày cấp tính.
Dạ dày khi tiếp nhận cùng lúc quá nhiều các thực phẩm như cay nóng, chất kích thích rượu bia hoặc cà phê sẽ bị kích thích tiết acid dư thừa. Lượng acid này sẽ tổn thương đến thành niêm mạc dạ dày, gây ra những cơn đau cho người bệnh.
7. Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là một giai đoạn nghiêm trọng hơn của đau dạ dày, đây cũng là một loại bệnh phổ biến trong danh sách các bệnh tiêu hóa ngày Tết thường gặp. Dạ dày bị viêm sẽ gây ra những cơn đau dạ dày như trên. Tuy nhiên, tình trạng ngày diễn ra quá lâu hoặc liên tục mà không được điều trị dứt điểm, thành niêm mạc sẽ bị vi khuẩn hoặc acid bào mòn hơn. Từ đó, dẫn đến hiện tượng loét dạ dày, gây ra những cơn đau cường độ cao hơn khiến người bệnh mất sức.
8. Trào ngược dạ dày thực quản
Triệu chứng điển hình nhất của bệnh tiêu hóa thường gặp ngày Tết, trào ngược dạ dày thực quản là chứng ợ nóng. Các cảm giác buồn nôn và chán ăn là những hệ quả của chứng ợ nóng. Bệnh xảy ra ở những đối tượng hấp thụ lượng thức ăn có tính chất kích thích acid tiết ra, gây tổn thương cơ thắt thực quản, suy giảm chức năng.
Bệnh gây ra cảm giác khó nuốt, gây đau khi người bệnh cố nuốt thức ăn do thực quản bị chít hẹp. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ có những cơn đau khu trú ở vùng mũi ức hoặc vùng cao sau xương ức. Trào ngược dạ dày thực quản cần được điều trị sớm ngay khi các triệu chứng xuất hiện. Nếu để bệnh tiếp diễn trong thời gian dài, người bệnh sẽ đối mặt với những bệnh tiêu hóa nguy hiểm hơn như loét thực quản, hẹp thực quản hoặc Barrett thực quản.
9. Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp: Là tình trạng tuyến tụy bị viêm sưng đột ngột, xảy ra trong thời gian ngắn, bệnh có thể diễn tiến đến suy cơ quan, nhiễm trùng huyết, hoại tử tụy… nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do sỏi mật, lạm dụng rượu bia, tăng mỡ máu.
Những nguyên nhân khiến viêm tụy cấp trở thành bệnh tiêu hóa ngày Tết thường gặp gồm:
- Lạm dụng rượu bia, các đồ uống có cồn
- Tình trạng táo bón và chán ăn gây ra tăng canxi máu
- Tình trạng mỡ máu tăng cao
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa
10. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích gây ra các triệu chứng co thắt dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Bệnh chưa được xác định nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên các chuyên gia y tế tìm ra sự liên quan của bệnh và các thức ăn đi qua ruột. Vì dây thần kinh ở bên trong ruột cực kỳ nhạy cảm, vì thế nó sẽ phản ứng với các chất độc và vi khuẩn từ thức ăn mà người bệnh tiêu thụ vào.
Đây có thể xem là một bệnh nghiêm trọng trong các bệnh tiêu hóa ngày Tết thường gặp vì nó có xu hướng kéo dài và trở thành mạn tính nếu không được điều trị đúng cách.
11. Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng có thể xuất hiện trong dịp lễ Tết. Có thể là một tình huống tái phát mà trước đây đã điều trị ổn. Hoặc mới xuất hiện do chế độ ăn ngày Tết có nhiều thay đổi. Biểu hiện bệnh là đau bụng, tiêu ra máu, có thể sốt. Chẩn đoán chủ yếu nhờ vào nội soi đại tràng.
12. Nhiễm trùng đường tiêu hóa
Nguyên nhân của nhiễm trùng đường tiêu hóa là do thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc ôi thiu gây nhiễm khuẩn đường ruột, đặc biệt nhiều trong ngày Tết. Phần lớn người bệnh bị nhiễm khuẩn đường ruột với biểu hiện điển hình là tiêu chảy hoặc một số triệu chứng khác gây biếng ăn, buồn nôn.
Để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa thường gặp trong ngày Tết, bạn nên ăn uống điều độ, ăn chín, uống sôi, hạn chế dùng quá nhiều rượu, bia, nước uống có gaz… ăn thực phẩm sạch và an toàn. Khi mắc bệnh phải đến cơ sở y tế khám để kịp thời cấp cứu và điều trị kịp thời tránh biến chứng trầm trọng.
13. Bệnh về gan
Các bệnh về gan trở thành bệnh tiêu hóa ngày Tết thường gặp thường quy về nguyên nhân nồng độ cholesterol trong máu cao và lạm dụng rượu bia.
Các bệnh về gan là những bệnh lý mà người bệnh cần đề phòng cao độ bởi chúng sẽ làm suy giảm rõ rệt chức năng gan cũng như tăng cao nguy cơ bị viêm gan, nặng hơn là suy gan.
Ngày Tết, mọi người thường có ý thức tận hưởng ngày nghỉ, thoải mái với các buổi tiệc và lối sống không quá nghiêm ngặt. Vì thế dễ phát sinh những việc như ăn quá độ, hút thuốc và uống nhiều rượu bia. Đây đều là những hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan ở người, tiền đề của các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, suy gan.