Thoái hóa cột sống đốt cổ là bệnh lý xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi, gây ra tình trạng đau đớn, cứng khớp, tê bì, từ đó dẫn đến suy giảm vận động ở người mắc phải. Sống chung với căn bệnh này, người bệnh luôn thắc mắc Thoái hóa cột sống đốt cổ nên ăn gì/kiêng gì? Những thông tin dưới đây, giúp phần nào cho người cho người bệnh giải tỏa được ám ảnh này.
1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong phục hồi thoái hóa cột sống đốt cổ
Cân nặng ảnh hưởng rất nhiều cột sống. Khi thừa cân, béo phì cột sống sẽ phải tăng cường làm việc để giữ trọng lượng cơ thể và gây ra đau lưng, và nếu kéo dài sẽ gây ra tình trạng cột sống bị thoái hóa. Do đó chúng ta cần đảm bảo một cân nặng vừa phải với thực đơn dinh dưỡng được cân đối, hợp lý. Không những thế, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của bệnh thoái hóa cột sống đốt cổ. Nhiều người không nhận biết rõ thực phẩm nào tốt hay không tốt cho bệnh nhân, ăn uống không khoa học dẫn đến bệnh biến chứng nặng.
Hãy cùng tìm hiểu rõ những nhóm thực phẩm tốt cho cột sống của bạn, cũng như tránh những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
2. Thoái hóa cột sống đốt cổ nên ăn gì?
2.1 Thực phẩm giàu Canxi
Canxi là khoáng chất cần thiết nhất cho xương, giúp duy trì mật độ và giúp xương chắc khỏe. Bổ sung đầy đủ canxi giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương và các bệnh lý về cột sống. Canxi có nhiều trong:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: sữa tươi, sữa chua, sữa hạt, pho mát,…
- Các loại rau xanh đậm: cải xoăn, cải ngọt, các loại đậu
- Một số loại cá như cá mòi, cá hồi, cá cơm,…
Tuy nhiên, nếu chỉ bổ sung canxi sẽ không giúp xương chắc khỏe hoàn toàn, có nhiều trường hợp vẫn loãng xương dù bổ sung canxi nhiều. Canxi phải được cân bằng với các chất dinh dưỡng tổng hợp khác để xương chắc khỏe. Thế nên, ngoài canxi cần thiết bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
2.2 Protein thực vật
Protein từ thực vật có nhiều trong các loại đậu hạt, ăn các loại protein có nguồn gốc thực vật càng nhiều càng tốt, giúp hỗ trợ làm giảm viêm, sưng đau, ngăn bệnh thoái hóa cột sống đốt cổ phát triển theo chiều hướng xấu. Ngược lại, nên tránh ăn nhiều protein từ động vật như thịt bò, thịt lợn… có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiều hơn.
2.3 Protein động vật
Không phải protein động vật nào cũng xấu với người bệnh. Bạn nên ăn protein động vật từ các loại thịt nạc, ít mỡ ở một lượng vừa phải để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh thiếu hụt protein cho cơ thể.
Một số loại thịt người bị thoái hóa cột sống đốt cổ nên ăn:
- Thịt ức gà
- Thịt nạc heo
- Thịt vịt
- Thịt cừu
- …
2.4 Thực phẩm giàu Omega-3
Omega-3 rất tốt cho cơ thể và não, giúp tránh khỏi nhiều bệnh như đột quỵ, viêm khớp dạng thấp. Axit béo có lợi này còn thúc đẩy cho sự phát triển của xương và mô, kháng viêm. Omega-3 có nhiều trong các loại thực phẩm như các loại hạt, dầu, sữa chua, đặc biệt là trong các loại cá béo.
2.5 Các loại cá béo
Cá béo chứa hàm lượng lớn chất Omega 3 và nhiều loại vitamin tốt cho cơ thể như vitamin D, B12, hỗ trợ rất tốt cho sự phục hồi của hệ cơ xương khớp, đĩa đệm bị tổn thương. Người bệnh thoái hóa cột sống đốt cổ nên bổ sung cá từ 3-4 lần/tuần như:
- Cá hồi
- Cá ngừ
- Cá thu
- Cá mòi
- Cá cơm
2.6 Rau xanh
Rau xanh là nguồn thực phẩm rất tốt, bất kỳ ai cũng cần bổ sung, chứa rất nhiều vitamin K, giúp bảo vệ cơ thể khỏi chứng viêm, loãng xương và bệnh lý thoái hóa. Một số loại rau cần có trong bữa ăn hàng ngày như rau bina, cải xoăn, bắp cải.
2.7 Các loại ngũ cốc
Ngũ cốc là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất quan trọng, giàu chất xơ, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, ung thư và sức khỏe cột sống. Bao gồm:
- Yến mạch,
- Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt
- Hạt diêm mạch
- Các loại đậu
- Quả óc chó
- …
2.8 Quả bơ
Không thể phủ nhận được công dụng thần thánh của quả bơ. Bơ chứa nhiều chất béo tốt, chất xơ, kali,.. những chất rất tốt cho cột sống. Nhưng lưu ý, dù là chất béo tốt hay không, thì bơ là thực phẩm béo, hãy sử dụng khoa học để phát huy hết công dụng của nó. Bơ có thể chế biến rất nhiều món ăn như sinh tố, salad trộn, bánh mì bơ…
2.9 Collagen
Thực phẩm giàu collagen giúp cơ thể sản sinh các chất collagen và axit amin cần thiết để chống lão hóa. Không những thế, collagen còn hỗ trợ điều trị các bệnh lý về xương khớp, giảm đau đối với thoái hóa khớp ở người lớn tuổi, tăng cường tính linh hoạt của khớp và sự tạo xương. Một số loại thực phẩm giúp cơ thể chuyển hóa collagen như:
- Thịt gà
- Trứng gà
- Trái cây có múi như cam, chanh, bưởi,…
- Cá hồi
- Rau có màu xanh đậm
2.10 Vitamin C
Vitamin C có nhiều trong ổi, ớt chuông, dâu, cam, cà chua…, hỗ trợ quá trình tạo sợi collagen trong sụn khớp, là chất chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy các phản ứng sinh hóa tốt cho xương. Vitamin C tan trong nước và cơ thể không tự tạo được nên cần bổ sung vitamin C cho cơ thể để tránh thiếu hụt.
2.11 Vitamin D
Vitamin D rất quan trọng trong chuyển hóa canxi trong xương. Có thể bổ sung bằng nhiều cách như tắm nắng (trong khoảng thời gian trước 8h sáng và sau 15h). Bổ sung vitamin D3 để tăng khả năng hấp thụ canxi hay ăn các thực phẩm nhiều vitamin D nhưng thịt, trứng, sữa và chế phẩm từ sữa.
2.12 Vitamin K2
Có nhiều loại vitamin K, trong đó vitamin K2 là loại tốt nhất cho xương, được tạo ra bở hệ vi khuẩn có ích trong ruột và các thực phẩm như phô mai, sữa chua, đậu nành lên men.
2.13 Vitamin B12
Vitamin B12 hỗ trợ sức khỏe của xương và ngăn ngừa loãng xương. Đặc biệt, đối với phụ nữ nên bổ sung vitamin B12 để ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác. Vitamin B12 có nhiều trong thịt bò, nghêu, cá ngừ, cá hồi, trứng, sữa….
2.14 Magie
Các loại thực phẩm chứa nhiều magie như quả bơ, socola đen, các loại hạt, đậu đen, đậu phụ, chuối, rau lá xanh… Đây là chất khoáng quan trọng giúp chống oxy hóa, ngăn chặn cholesterol xấu và hỗ trợ giảm viêm tốt.
2.15 Sắt
Sắt là chất khoáng cần thiết cho cơ thể, tủy xương cần sắt để tạo ra tế bào hồng cầu, sắt cũng giúp cơ bắp dự trữ và sử dụng oxy. Sắt có nhiều trong thịt, cá, đậu nành, quả sung, bông cải xanh, cải xoăn, rau bina, các loại hạt…
2.16 Glucosamin
Glucosamine được tìm thấy trong cơ thể người, giúp tổng hợp glycosaminoglycan cấu tạo nên mô sụn trong cơ thể và các chất khác liên quan đến tạo gân, dây chằng, lớp dịch nhầy ở khớp. Glucosamine sẽ giảm đi theo tuổi tác. Hiện nay có nhiều loại thực phẩm chức năng chứa glucosamine giúp hỗ trợ làm giảm triệu chứng của thoái hóa khớp ở mức độ nhẹ và trung bình, tuy nhiên, hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ thực phẩm bổ sung nào.
3. Thoái hóa cột sống đốt cổ nên kiêng ăn gì?
Rõ ràng những thực phẩm bạn ăn có thể đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe cột sống. Một số loại thực phẩm mà bạn nên tránh để không làm tình trạng sưng viêm, thoái hóa trở nên trầm trọng hơn.
3.1 Thực phẩm nhiều đường, nhiều muối
Người thoái khớp nên hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều đường, thực phẩm nhiều muối. Việc tiêu thụ quá nhiều đường, muốn sẽ làm đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tăng lượng insulin, làm suy yếu hệ thống chống oxy hóa, khiến tốc độ lão hóa nhanh hơn.
3.2 Tránh các đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn, thức ăn nhanh
Hạn chế ăn các đồ ăn đóng hộp, thịt đỏ đã qua chế biến, thức ăn chứa gluten, thực phẩm giàu gốc oxy hóa, hay thức ăn nhanh, đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ…nếu không muốn gia tăng tình trạng lão hóa.
3.3 Tránh xa chất kích thích
Không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn như rượu, bia, các chất không tốt cho người mắc bệnh xương khớp, đặc biệt là các bệnh liên quan đến cột sống như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm,…
3.4 Omega-6
Người bệnh thoái hóa cột sống đốt cổ, viêm khớp nên tránh xa các thực phẩm giàu omega-6. Nếu cung cấp quá nhiều omega-6 gây ra tình trạng giữ nước của cơ thể, gây tê bì vùng cổ, vùng tay, làm sưng viêm nhiều hơn. Omega-6 có nhiều trong các loại dầu thực vật từ hạt điều, hạt hướng dương, hạt mè, đậu nành… nên tránh xa, có thể thay thế bằng dầu oliu.
3.5 Thực phẩm chứa nhiều Ages
Ages (Advanced glycation end products) là hợp chất làm tăng quá trình lão hóa. Nếu không muốn lão hóa quá nhanh nên tránh xa các thực phẩm chứa nhiều ages như:
- Soda
- Thịt nướng cháy
- Đồ uống có cồn
- Bơ sữa
- Dầu đã qua tinh chế
- Thực phẩm chiên rán nhiều muối
3.6 Thức ăn chứa gluten
Gluten là một loại chất đạm, thường có trong một số loại ngũ cốc, đại mạch, hắc mạch, lúa mì… Bên cạnh những loại ích của gluten, nhưng với một người mẫn cảm với gluten nếu ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể bạn hỗn loạn giữa gluten và tế bào miễn dịch, cuối cùng dẫn đến tình trạng viêm, hoàn toàn không tốt cho bệnh nhân.
4. Thói quen tốt cho người thoái hóa cuộc sống
Không chỉ thay đổi thói quen ăn uống, người thoái hóa cột sống đốt cổ nên tạo lập những thói quen tốt sau:
4.1 Tránh ngồi quá lâu
Khi bạn ngồi lâu quá sẽ tạo một áp lực lớn lên cột sống, gây căng thẳng và khiến cột sống đau hơn. Bạn có thể kê thêm gối mềm mỗi khi ngồi, thường xuyên đứng lên ngồi xuống, đi lại xung quanh để thay đổi tư thế.
4.2 Tránh các tư thế xấu
Trong sinh hoạt thường ngày nên tránh các tư thế xấu để giảm áp lực đè lên cột sống như: đứng lên ngồi xuống liên tục, thay đổi chuyển động đột ngột, đứng lâu, ngồi lâu cùng một tư thế, ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân…
4.3 Làm việc, tập luyện vừa sức
Khi làm việc, lao động hay tập luyện thể dục thể thao nên vừa sức, tránh nâng vật nặng, tạ quá nặng để giảm áp lực cho cột sống, tránh chấn thương không may xảy ra.