Trẻ dưới 5 tuổi trung bình có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp trên 4 – 6 lần/năm. Các bệnh lý này không chỉ khiến trẻ bị suy giảm sức khỏe mà còn có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ nếu không được điều trị kịp thời.
Theo dõi ngay bài viết để hiểu rõ hơn và có phương pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả!
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ là gì?
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, viêm đường hô hấp trên gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, đặc biệt, là khi thời tiết giao mùa hay nhiệt độ xuống thấp.
Đường hô hấp trên là các bộ phận thuộc hệ hô hấp bao gồm: mũi, xoang, hầu, họng, thanh quản. Đường hô hấp trên có chức năng lấy và lọc không khí từ bên ngoài, làm ẩm, sưởi ấm không khí để đưa vào phổi. Các bộ phận này thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên dễ bị viêm nhiễm nếu gặp điều kiện môi trường không thuận lợi gây viêm đường hô hấp trên: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản…
Tuy là những bệnh đơn giản nhưng nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách trẻ có thể phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng hơn như: viêm phổi, viêm phế quản,… thậm chí là suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp trên ở trẻ.
Trong đó, ở trẻ dưới 5 tuổi, nguyên nhân gây bệnh chủ ý là do sự tấn công của virus gây bệnh: virus hợp bào hô hấp (RSV), virus á cúm, virus cúm, virus sởi, Adenovirus (virus hạch), Rhinovirus, Enterovirus, Coronavirus và một số loài nấm…
Tác nhân gây bệnh đứng thứ hai trong danh sách chính là vi khuẩn. Một số vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên thường thấy ở trẻ: Phế cầu khuẩn, tụ cầu, liên cầu khuẩn, Haemophilus influenzae tuýp B (HiB), vi khuẩn Bordetella, vi khuẩn Chlamydia trachomatis, vi khuẩn Klebsiella pneumoniae….
Bên cạnh đó là một số nguyên nhân khác như:
– Dị ứng thời tiết
– Dị ứng với các tác nhân trong không khí, khói bụi…
– Dị ứng hóa chất
– Hít phải khói thuốc lá, thuốc lào…
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Ba mẹ lưu ý một số yếu tố nguy cơ khiến tăng khả năng xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh ở trẻ:
– Độ tuổi
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ dưới 1 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, chưa đủ khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
– Tình trạng sức khỏe của trẻ
Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch có sức đề kháng yếu thường dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Môi trường sống
Môi trường ẩm thấp cùng điều kiện vệ sinh kém khiến các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh hơn làm tăng nguy mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp trên ở trẻ. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi cũng khiến tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ tăng cao.
Triệu chứng khi trẻ mắc viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên không phải là bệnh lý nguy hiểm. Trẻ có thể tự khỏi bệnh sau 5 – 7 ngày nếu được chăm sóc tốt.
Trong thời gian nhiễm bệnh, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng ở các cơ quan thuộc đường hô hấp trên như:
– Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi
– Họng ngứa và đau rát
– Ho, ho có đờm, ho khan
– Chán ăn, khó chịu, mệt mỏi
– Nhức đầu, đau nhức cơ
– Sốt cao
– Buồn nôn, nôn
– Tiêu chảy
Mách ba mẹ cách chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên tại nhà
Đa số trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp trên đều là do virus. Tuy nhiên, điều trị bệnh do virus hiện nay đều là các phương pháp điều trị triệu chứng chứ không phải điều trị nguyên nhân. Bởi vậy, khi điều trị viêm đường hô hấp trên, trẻ được sử dụng các loại thuốc theo từng triệu chứng bệnh đồng thời tăng cường bổ sung để nâng cao đề kháng.
Cùng với đó, phần lớn các trường hợp viêm đường hô hấp trên ở trẻ đều là thể nhẹ. Dựa trên quá trình thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể. Trong đó, ở thể nhẹ, trẻ thường được chỉ định điều trị và theo dõi tại nhà.
Cách chăm sóc trẻ viêm đường hô hấp trên tại nhà
Khi chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên, ba mẹ lưu ý:
– Bổ sung cho con đầy đủ chất dinh dưỡng: nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày, không ép con ăn nhiều trong mỗi bữa.
– Dùng nước muối NaCl 0.9% để vệ sinh mũi cho trẻ nếu con bị nghẹt mũi.
– Cho con uống đủ nước. Có thể tăng cường thêm nước ép hoa quả để bổ sung vitamin và khoáng chất giúp trẻ nhanh phục hồi sức khỏe.
– Chú ý giữ ấm cơ thể cho con khi thời tiết trở lạnh.
– Giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống xung quanh bé.
– Khi trẻ bị sốt: cho con nằm trong phòng mát, thông thoáng, lau người bằng khăn ấm.
Khi nào nên cho trẻ đến bệnh viện
Đặc biệt, ba mẹ cần cho trẻ đến cơ sở y tế gấp nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường:
– Trẻ không ăn uống, không bú sữa.
– Trẻ khó thở, thở gấp, có tình trạng thở rút lõm lồng ngực.
– Trẻ sốt cao từ 2 ngày, không giảm ngay cả sau khi dùng thuốc hạ sốt.
Làm sao để giúp trẻ phòng bệnh viêm đường hô hấp trên?
Chủ động phòng bệnh là việc cần thiết và hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe, giữ trẻ tránh xa bệnh lý.
Để phòng viêm đường hô hấp trên ở trẻ, ba mẹ lưu ý:
– Tạo miễn dịch chủ động cho trẻ bằng việc cho con tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
– Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
– Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường không đảm bảo an toàn, đặc biệt là những nơi đông đúc, nhiệt độ quá thấp hoặc quá lạnh.
– Hạn chế để trẻ đến nơi đông người, đặc biệt là trong thời gian bệnh bùng phát. Giữ trẻ luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài. Không để người bệnh tiếp xúc với trẻ.
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân của trẻ sạch sẽ. Tập cho con thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Tạo cho con thói quen uống nước ấm vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy để bảo vệ sức khỏe cổ họng, tránh tình trạng nhiễm lạnh vào mùa đông.
– Xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất để giúp con tăng cường sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của các yếu tố gây bệnh.