Xét nghiệm PAP, hay còn gọi là phết tế bào cổ tử cung hay xét nghiệm tầm soát tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung phổ biến biến nhất hiện nay. Xét nghiệm sẽ tìm kiếm và phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở cổ tử cung, có nguy cơ dẫn đến ung thư. Xét nghiệm này được Georgios Nikolaou PAPanikolaou – bác sĩ lỗi lạc người Hy Lạp tìm ra. Vì thế, tên gọi của xét nghiệm này được lấy theo tên ông, đến nay vẫn được sử dụng hiệu quả trong y học.
1. Tại sao cần xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, xảy ra do sự biến đổi ác tính của các tế bào ở cổ tử cung.
Có hai phần của cổ tử cung chứa hai loại tế bào khác nhau là: Phần trong cùng của cổ tử cung là phần dẫn từ tử cung vào âm đạo chứa các tế bào cột chịu trách nhiệm tiết chất nhầy. Phần bên ngoài của cổ tử cung, và nhô vào âm đạo là nơi chứa các tế bào vảy, có dạng như vảy cá khi nhìn dưới kính hiển vi. Vùng giao nhau giữa hai loại tế bào này là nơi mà hầu hết ung thư cổ tử cung và tế bào tiền ung thư hình thành.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung có vai trò rất quan trọng để chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung. Nếu được chẩn đoán ung thư sớm, điều trị hiệu quả là điều hoàn toàn có thể.
Có hai xét nghiệm thường được đề nghị nhằm mục đích chẩn đoán ung thư cổ tử cung sớm bao gồm:
- Pap smear: Là một phương pháp sàng lọc có thể giúp phát hiện các tế bào bất thường và ung thư thông qua việc phân tích các mẫu tế bào được lấy từ cổ tử cung.
- Xét nghiệm papillomavirus ở người (HPV), phát hiện DNA từ HPV để kiểm tra cả sự hiện diện và chủng loại virus. HPV là một loại virus có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung trong một số trường hợp. Có hơn 150 loại HPV, tuy nhiên chỉ có một số loại ví dụ như loại 16 và 19 có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. HPV có thể truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng khi có tiếp xúc da kề da.
Các kết quả xét nghiệm này có thể giúp xác định liệu một người có bị ung thư cổ tử cung hay không hoặc nguy cơ mắc phải ung thư. Những xét nghiệm này có thể giúp phát hiện:
- Thay đổi tế bào tiền ung thư;
- Sự hiện diện của HPV;
- Sự xuất hiện của ung thư.
Sàng lọc định kỳ không phải lúc nào cũng bao gồm cả hai xét nghiệm cùng một lúc, nhưng một người có thể yêu cầu xét nghiệm đồng thời cả HPV và Pap smear.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), tỉ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể nhờ phết tế bào Pap.
2. Các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung
- Không tiêm đủ vắc-xin HPV;
- Không kiểm tra, thăm khám định kỳ;
- Nhiễm HPV;
- Hút thuốc;
- Quan hệ tình dục không an toàn;
- Có nhiều bạn tình;
- Bị nhiễm chlamydia;
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu, ví dụ do HIV
- Không ăn hoặc ăn ít các loại rau, trái cây;
- Thừa cân;
- Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài;
- Sử dụng vòng tránh thai để ngừa thai;
- Mang thai nhiều lần;
- Mang thai đủ tháng đầu tiên dưới 18 tuổi;
- Đang dùng thuốc nội tiết tố DES hoặc có mẹ đã sử dụng khi mang thai.
Các bác sĩ cũng khuyên không nên thụt rửa, vì điều này có thể làm tăng khả năng nhiễm khuẩn âm đạo.
3. Khi nào nên làm phết tế bào cổ tử cung
Khuyến nghị về tần số phết tế bào Pap phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm:
- Tuổi tác;
- Tiền sử bệnh lý;
- Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) khi còn trong bụng mẹ;
- Tình trạng suy giảm miễn dịch, HIV;
Các chuyên gia khuyến nghị rằng:
- Phụ nữ 21-29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
- Phụ nữ ở độ tuổi 30-65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm hoặc xét nghiệm HPV cứ sau 5 năm hoặc xét nghiệm đồng xét nghiệm Pap và HPV sau mỗi 5 năm.
- Sau 65 tuổi, hầu hết phụ nữ sẽ không cần phết tế bào Pap. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro của mỗi người khác nhau.
Những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm bất thường trước đó và những người nhiều bạn tình có thể cần xét nghiệm thường xuyên hơn.
Sau khi cắt bỏ tử cung hoàn toàn bao gồm phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cổ tử cung, có thể không cần phải tiếp tục thực hiện xét nghiệm Pap.
Tuy nhiên, bất cứ ai phẫu thuật cắt tử cung do có các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư nên tiếp tục kiểm tra thường xuyên.
Mỗi trường hợp đều có những tình trạng khác nhau, vì vậy cần nói chuyện với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ và nhu cầu sàng lọc ung thư cổ tử cung của bản thân.