Viêm mũi xoang là một trong năm bệnh khiến người bệnh phải đi khám nhiều nhất, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động, học tập và làm việc. Bệnh có những đặc điểm gì? Cách điều trị và phòng ngừa bệnh thế nào? Các Bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng của Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong sẽ giúp quý khách giải đáp các thắc mắc về vấn đề này.
1. Viêm mũi xoang là gì?
Màng niêm mạc lót trong các hốc xoang bị nhiễm trùng, siêu vi trùng hoặc do dị ứng trở nên phù nề tăng tiết dịch, dịch loãng, rồi đặc hoặc hóa mủ, đường kính các lỗ xoang viêm trở nên càng nhỏ và dễ tắc. Mủ và dịch viêm không qua được lỗ thông gây hiện tượng ứ đọng ô nhiễm trong xoang, đồng thời gây phù viêm niêm mạc hốc mũi.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh viêm mũi xoang là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến và rất dễ phát sinh bệnh đặc biệt là trong điều kiện môi trường sinh hoạt hiện nay. Nguyên nhân gây ra bệnh Viêm mũi xoang thì rất nhiều,tổng quát lại một số cái chung nhất như sau:
Do viêm mũi sau nhiễm siêu vi (cúm, sởi…), bị bội nhiễm, viêm mũi dị ứng kéo dài hoặc do tình trạng vẹo vách ngăn. Có trường hợp viêm mũi xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên
Sức đề kháng kém, cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại vi khuẩn, suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc dường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bệnh nhân viêm xoang kèm theo viêm một số bộ phận khác.
Do môi trường xấu: Khi không khí bị ô nhiễm, bụi, khói bếp, thuốc lá, ao hồ dơ bẩn, hồ tắm không vệ sinh. Những môi trường này chứa nhiều vi khuẩn, vi khuẩn vào mũi gây viêm mũi sau đó trở thành viêm xoang…
Do cơ địa dị ứng: Dị ứng hóa chất, thức ăn biển chất kéo dài làm niêm mạc mũi phù nề, gây bít tắc lỗ thông xoang, xonag bị bít tắc gây nhiễm trùng và viêm xoang.
Vệ sinh kém: Không năng rửa tay, rửa mặt, không vệ sinh cá nhân đầy đủ, vi khuẩn sẽ vào mũi, gây viêm mũi, sau đó viêm xoang.
3. Những triệu chứng của bệnh Viêm mũi xoang
- Chảy mũi: nếu viêm dị ứng sẽ chảy mũi trong rất nhiều, viêm do vi khuẩn thì chảy mũi đục, có khi như mủ, viêm các xoang trước chảy ra mũi trước và viêm các xoang sau sẽ chảy vào họng. Ngoài ra còn có nghẹt mũi, đây là triệu chứng vay mượn của mũi, có thể nghẹt 1 bên hoặc có thể nghẹt cả 2 bên.
- Đau nhức: Vùng bị nhức tùy theo xoang bị viêm như xoang hàm nhức vùng má, xoang trán nhức giữa 2 lông mày, xoang sàng trước nhức giữa 2 mắt, xoang sàng sau và xoang bướm thì nhức trong sâu, nhức vùng gáy.
- Điếc mũi: Ngửi không biết mùi. Thường là viêm nặng, phù nề nhiều, mùi không len lỏi lên đến thần kinh khứu giác.
- Viêm xoang khó phát hiện thì không có các triệu chứng trên, hoặc chỉ có một triệu chứng đơn độc mà thôi. Viêm xoang dễ phát hiện có ít nhất 3 triệu chứng trên.
4. Điều trị Viêm mũi xoang như thế nào?
Viêm xoang là căn bệnh rất khó chịu, gây mệt mỏi, làm giảm khả năng học tập và làm việc của người bệnh, thậm chí nếu để bệnh nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như: viêm phế quản mãn tính, lao phổi giả, viêm họng mạn hay viêm dây thần kinh thị giác.
Khi nhận thấy mình có dấu hiệu của bệnh viêm xoang, cần đi thăm khám để được điều trị kịp thời đúng và đúng cách. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh nếu là viêm mũi xoang do vi trùng, Steroid xịt mũi, thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau (nếu cần), thuốc kháng sinh (nếu có nhiễm trùng), xịt rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Với những trường hợp viêm mũi xoang do cảm cúm nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, chlorpheniramine, giảm đau, thuốc chống dị ứng; phun khí dung hoặc thủ thuật Proezt (súc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào xoang sàng.
Khi điều trị nội khoa bằng thuốc không bớt, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo xoang… Trường hợp viêm mũi xoang do răng, cần phải nhổ răng gây bệnh.
Bên cạnh chữa trị viêm xoang bằng y khoa, bệnh nhân cũng cần áp dụng các biện pháp chữa trị hỗ trợ tại nhà đơn giản mà hiệu quả như ăn uống đủ chất, cân bằng nghỉ ngơi, tập luyện điều độ, uống nhiều nước để cơ thể khảo mạnh và có một sức đề kháng tốt giúp cơ thể chống lại các viêm nhiễm và phục hồi nhanh chóng.
5. Cách phòng ngừa bệnh Viêm mũi xoang
Nên đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá…Tránh hít luồng không khí lạnh, khô. Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ, hoặc khi ngồi làm việc. Máy lạnh nên để 27-28 độ là phù hợp. Những trường hợp thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm vì đây là những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.
Khi tắm hoặc đi bơi, nếu bị nước vào tai hoặc mũi cần biết cách để cho nước ra ngoài, ví dụ nước vào tai thi có thể nghiêng đầu nhảy để nước ra ngoài sau đó lấy tăm bông lau khô. Nếu nước vào mũi thì không được xì cả 2 mũi liền, làm như vậy nước càng dễ vào trong. Hiện nay một số bể bơi ở thành phố vệ sinh kém khi chúng ta di tắm phải cẩn thận tránh để nước vào xoang, dễ gây viêm xoang. Cũng nên vệ sinh mũi thường xuyên với dung dịch nước biển.
Tránh stress như khi làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó mũi xoang dễ bị nhiễm nhất vì là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể. Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang. Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp để biến thành bệnh viêm xoang.