Viêm nang lông là một vấn đề da liễu rất phổ biến. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh lý này nhé!
1. Viêm nang lông là gì?
Nang lông là các “túi nhỏ” nằm dưới da, có chức năng điều khiển quá trình sản sinh và phát triển của lông, tóc. Viêm nang lông xảy ra khi các nang này bị tấn công bởi vi khuẩn dẫn đến viêm nhiễm, thường biểu hiện bằng việc sưng đỏ và ngứa rát.
Viêm nang lông là vấn đề phổ biến ở nhiều đối tượng khác nhau, trên bất kỳ vị trí nào của cơ thể. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở những vùng có nhiều nang lông như tay, chân, đầu, mặt, lưng…
2. Nguyên nhân gây ra viêm nang lông
Vi khuẩn
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm nang lông là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) hoặc một số loại vi khuẩn gram âm khác.
Trên thực tế, vi khuẩn có thể tồn tại trên da mà không gây ra nhiễm khuẩn cho đến khi chúng xâm nhập vào nang lông thông qua các vết xước và các vùng da bị tổn thương.
Nấm
Các loại nấm men như Trichophyton rubrum, Malassezia folliculitis (Pityrosporum folliculitis) hoặc Candida đều có thể gây ra viêm nang lông, đặc biệt là phần nửa thân trên như lưng, ngực, vai,…
Viêm nang lông do nấm xuất hiện nhiều ở thanh thiếu niên do các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Virus
Viêm nang lông do virus thường không phổ biến, chủ yếu bắt nguồn từ virus Herpes Simplex. Virus này gây viêm nang lông xung quanh vùng miệng với các triệu chứng tương tự như viêm nang lông do vi khuẩn, tuy nhiên các nốt mụn không có mủ và thường tập trung thành từng mảng.
Các nguyên nhân khác
Ký sinh trùng (chủ yếu là Demodex folliculorum) hoặc tình trạng lông mọc ngược (giả viêm nang lông) cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm nang lông. Vị trí gây bệnh chủ yếu của các yếu tố này là các nang lông tại vùng mặt và cổ.
3. Phân loại viêm nang lông
Viêm nang lông có thể được phân loại dựa trên mức độ tổn thương của nang lông. Trường hợp nang lông chỉ bị tổn thương một phần gọi là viêm nang lông nông (viêm nang lông bề mặt). Mặt khác, khi toàn bộ nang lông bị ảnh hưởng, người ta sẽ gọi tình trạng này là viêm nang lông sâu.
Viêm nang lông nông
- Viêm nang lông do vi khuẩn: Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm nang lông. Vi khuẩn này xâm nhập vào nang lông thông qua các vết thương hở và biểu hiện thành phát ban hoặc mụn đầu trắng chứa đầy mủ.
- Viêm nang lông do tắm bồn nước nóng: Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) cũng thường được ghi nhận là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nang lông. Vi khuẩn này xuất hiện nhiều ở các bồn tắm nóng, hồ bơi hoặc những vùng nước mất cân bằng về độ pH và clo. Biểu hiện của viêm nang lông dạng này là phát ban hình tròn, gây ngứa, thường xuất hiện 1 – 2 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn.
- Viêm nang lông do lông mọc ngược (pseudofolliculitis barbae): là loại viêm nang lông không nhiễm khuẩn, thường xuất hiện ở vùng râu trên mặt, cổ hoặc vùng bikini do cạo lông không đúng cách.
- Viêm nang lông do nấm (Pityrosporum folliculitis): Nhiều loại nấm có thể gây ra viêm nang lông, tiêu biểu là Malassezia folliculitis (hay còn được biết đến là Pityrosporum folliculitis). Tình trạng viêm chủ yếu xảy ra ở vùng lưng và ngực với những nốt phát ban ngứa ngáy, đầy mủ.
Viêm nang lông sâu
- Viêm nang lông ở cằm (Sycosis barbae): Việc cạo râu thường xuyên, không đúng cách làm xước da mặt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm toàn bộ nang lông.
- Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm: thường xuất hiện ở những bệnh nhân dùng kháng sinh để trị mụn trong thời gian dài. Điều này khiến vi khuẩn trở nên kháng thuốc và làm trầm trọng thêm các vấn đề về da như viêm nang lông, mụn trứng cá…
- Nhọt và hậu bối: Nhọt là biểu hiện của một nang lông bị nhiễm trùng làm xuất hiện mụn mủ lớn sưng đỏ, mềm và đau. Nhiều vết nhọt liên kết với nhau tạo thành hậu bối và rất dễ dẫn đến việc hoại tử dưới da.
- Viêm nang lông bạch cầu ái toan: Loại viêm nang lông này thường gặp ở trẻ sơ sinh và những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Đặc trưng của bệnh là các mụn mủ ngứa tập trung ở phần thân trên và rất dễ tái phát.
4. Dấu hiệu viêm nang lông
Viêm nang lông có thể được nhận biết bằng nhiều dấu hiệu khác nhau tùy theo từng loại và nguyên nhân gây ra bệnh.
Biểu hiện chủ yếu thường là các vết phát ban đỏ, trắng hoặc vàng trên da, có thể kèm theo mụn mủ xung quanh nang lông. Viêm nang lông còn gây ra tình trạng sưng tấy, ngứa ngáy và đau nhức xung quanh vùng da nhiễm khuẩn.
5. Yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc viêm nang lông
Các yếu tố thuận lợi dẫn đến tình trạng viêm nang lông thường được chia thành 2 nhóm. Việc hạn chế các yếu tố này chính là chìa khóa then chốt để điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm nang lông nói riêng và các vấn đề về da nói chung.
Các yếu tố bên ngoài
- Các vết thương ngoài da, chẳng hạn như vết trầy xước từ việc dùng dao cạo để cạo râu, cạo lông hoặc gãi, chà xát da.
- Mặc quần áo bó sát và chất liệu vải thô cứng, kém thấm hút.
- Tắm nước quá nóng, thường xuyên ngâm mình trong bồn tắm, hồ bơi, suối nước nóng…
- Thời tiết nóng bức, tham gia các hoạt động ngoài trời… làm da tiết nhiều mồ hôi và bã nhờn.
- Sử dụng sữa tắm, kem dưỡng ẩm có thành phần gây kích ứng.
- Dùng chung khăn tắm và các vật dụng cá nhân với người bị viêm nang lông hoặc có các vấn đề về da khác.
Các yếu tố bên trong
- Thừa cân, béo phì.
- Có tiền sử mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch, tiểu đường, suy thận…
- Sử dụng corticoid bôi ngoài da hoặc uống kháng sinh trong một thời gian dài.
6. Biến chứng của viêm nang lông
Viêm nang lông là một bệnh phổ biến và có thể điều trị tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp xử lý kịp thời, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Nhiễm khuẩn lan rộng, thậm chí gây hoại tử da.
- Tái phát nhiễm khuẩn, rất khó để điều trị dứt điểm.
- Rụng tóc nhiều, phá hủy nang tóc làm tóc không thể mọc lại.
- Rối loạn sắc tố tại vùng viêm nang lông gây ra các mảng sáng màu (tăng sắc tố) hoặc tối màu (giảm sắc tố)
- Các vết mụn khi vỡ ra rất dễ để lại sẹo.
7. Chẩn đoán viêm nang lông
Khám da liễu/tiền sử bệnh
Viêm nang lông chủ yếu được chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng và thăm hỏi về tiền sử bệnh.
Bác sĩ sẽ quan sát sự viêm nhiễm trên da, mức độ tổn thương, vị trí xuất hiện… Đồng thời dựa trên thông tin mà bệnh nhân cung cấp về thời gian xuất hiện, yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh lý và các thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để đưa ra chẩn đoán.
Nuôi cấy vi khuẩn
Người bệnh có thể được lấy mẫu da để đem đi nuôi cấy trong môi trường nhất định, nhằm xác định chính xác loại vi khuẩn gây viêm nang lông. Cả tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh đều có thể được phát hiện thông qua phương pháp nuôi cấy.
Soi nấm
Đối với những trường hợp nghi ngờ viêm nang lông do nấm, bệnh nhân có thể được chỉ định làm thêm xét nghiệm soi nấm để khẳng định chẩn đoán. Việc xác định loại nấm gây viêm nang lông cũng giúp bác sĩ dễ dàng đưa ra phương án điều trị thích hợp.
8. Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy tình trạng nhiễm trùng lan rộng, biểu hiện bằng việc:
- Các nốt mụn đỏ ửng, sưng viêm nặng nề và gây đau
- Sốt, ớn lạnh, cảm giác khó chịu
- Xuất hiện thêm các triệu chứng mới như mưng mủ, mụn nhọt…
Ngoài ra, nếu viêm nang lông kéo dài hoặc tái phát liên tục, bạn cũng cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị một cách hợp lý.
Thời gian phục vụ:
7 Ngày trong tuần: Từ 06h30 đến 17h00 chiều
Địa điểm:
Phan Văn Khỏe, Khu phố 1, Phường 1, Thị xã Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang.
Website: phongkhamsaigonmekong.com
Facebook: Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong