Hen phế quản là tên gọi khác của hen suyễn, là một bệnh mạn tính đường hô hấp với đặc trưng là những cơn hen cấp tính. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Bệnh diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.
Hằng năm, Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong tiếp nhận và quản lý điều trị hằng trăm bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản. Đặc biệt gần đây thời tiết trở lạnh số lượng bệnh nhân đi khám gia tăng gấp đôi so với bình thường.
Cơn hen xảy ra khi phế quản của người người bệnh vốn rất nhạy cảm tiếp xúc với các yếu tố kích thích, biểu hiện qua các triệu chứng như khó thở, khò, nặng ngực và ho.
Theo các Bác sĩ của Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong cho biết: “Có rất nhiều tác nhân khởi phát cơn hen phế quản trong đó các tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất, như:
- Dị nguyên đường hô hấp: thường là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn,…
- Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cá, sò,… ), trứng, thịt gà, lạc.
- Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin,…
- Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amiđan,… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Bên cạnh đó cũng có thể kể đến các tác nhân không dị ứng như di truyền (Gia đình có người bị hen phế quản); Yếu tố tâm lý (tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý),..”
Hen phế quản thường có một số triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan hoặc buồn ngủ. Triệu chứng khi phát bệnh phổ biến nhất là ho, khó thở thành cơn về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Sau đó giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm dãi. Đờm dãi màu trong quánh và dính. Sau cơn hen thì hết các triệu chứng hoặc khi thở ra, có tiếng cò cử mà bản thân bệnh nhân và người khác cũng nghe thấy.
Hen phế quản rất nguy hiểm, diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Người bệnh khi lên cơn hen không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được can thiệp cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, hôn mê, mất ý thức, thậm chí tử vong.
Trường hợp trẻ em hoặc những người gặp vấn đề khi sử dụng dạng hít, xịt có thể sử dụng dạng khí dung. Việc sử dụng thuốc nên lặp lại sau 20 phút nếu tình trạng khó thở không giảm.
Nếu người bệnh tiếp tục khò khè, khó thở sau điều trị hoặc có triệu chứng của cơn hen ác tính (khó thở tăng dần, cơn hen không dứt, khó nói do khó thở…) thì cần gọi ngay cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.
Hen phế quản là bệnh liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống. Vì vậy, người bệnh hen phế quản phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là khi giao mùa, thời tiết lạnh dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm… làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.
Để chủ động phòng ngừa bệnh, các chuyên gia khuyến cáo: “Người bệnh hen phế quản nên tránh xa thuốc lá và những khu vực nhiều khói thuốc, hạn chế đến những nơi bị ô nhiễm không khí; Vệ sinh vật dụng cá nhân như chăn ga gối đệm thường xuyên, hạn chế sử dụng các vật dụng có nguy cơ trở thành “ổ” bụi như rèm cửa, thảm lau nhà…;
Không nuôi chó, mèo, chim cảnh và các con thú khác trong nhà;
Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm nonsteroid để hạn chế tác dụng phụ của thuốc;
Chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vắc xin phòng COVID-19; Đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng – nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp”.
Hen phế quản có thể kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ. Chỉ dùng thuốc cắt cơn khi có cơn hen và sử dụng thuốc dự phòng đều đặn ngay cả khi không còn triệu chứng của hen, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.