Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài nhiều hơn 3 lần trong ngày và phân của trẻ có nhiều nước. Trẻ bị tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng trong thời gian ngắn. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ tiêu chảy đúng phương pháp để mang lại hiệu quả.
1. Các triệu chứng tiêu chảy của trẻ
Khi trẻ bị tiêu chảy thường sẽ xuất hiện các biểu hiện như sau:
- Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, trung bình từ 10 đến 15 lần. Một số trường hợp trẻ nhỏ có thể bị đi ngoài ra nước vàng với số lần nhiều hơn, khoảng 20 lần. Phân của trẻ có tính chất toàn nước, nhầy, mùi chua, đôi khi có bột hoặc máu. Lượng phân trẻ đi mỗi lần có thể nhiều hoặc ít, thậm chí có thể khiến cho trẻ bị đùn ra quần do nước phân chảy ra mà trẻ không tự kiểm soát được.
- Khi trẻ bị tiêu chảy cấp thường kèm theo buồn nôn hoặc nôn. Trường hợp này thường gặp trong tiêu chảy cấp do virus Rota. Trẻ nôn nhiều lần trong ngày khiến cho trẻ mệt mỏi, kém ăn và nghiêm trọng hơn là mất nước.
- Trẻ biếng ăn khi bị tiêu chảy dài ngày. Đây cũng là điều làm cha mẹ lo lắng và phải có kế hoạch giúp trẻ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý để nhanh chóng phục hồi.
- Cùng với các triệu chứng nôn và kém ăn thì trẻ còn bị gặp tình trạng chướng bụng, đầy hơi. Tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn tiêu hoá ở trẻ.
Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều lần và kéo dài thì cơ thể có thể bị mất nước, nếu không bù đủ lượng nước mất đi trẻ sẽ gặp nguy hiểm. Một trong các dấu hiệu mất nước khi trẻ bị tiêu chảy là:
- Mất nước toàn tạng khiến trẻ không được tỉnh táo so với trẻ bình thường. Trẻ vật vã, kích thích, quấy khóc. Nếu mất nước ở mức độ nặng, trẻ có dấu hiệu mệt li bì, thậm chí là hôn mê do sốc giảm khối lượng tuần hoàn trong cơ thể.
- Nếu trẻ muốn uống nước và uống nhiều hơn bình thường thì cha mẹ cần thực hiện bù nước cho trẻ. Khi trẻ bị thiếu nước mà không được bổ sung kịp thời thì trẻ có thể bị hôn mê, li bì…
- Khi quan sát mắt của trẻ nếu thấy có những dấu hiệu bất thường như mắt trũng, khô,… và khi trẻ khóc không thấy nước mắt thì có thể trẻ đã bị mất nước rất nhiều.
- Miệng và lưỡi của trẻ bị khô.
- Cha mẹ có thể sử dụng hai ngón tay trỏ và véo da thành nếp ở vùng bụng và đùi của trẻ để kiểm tra xem kích thước của nếp véo da. Nếu trẻ bình thường thì khi cha mẹ thực hiện véo và thả tay ra thì nếp véo sẽ biến mất. Còn đối với trẻ bị mất nước thì nếp véo này sẽ tồn tại lâu hơn.
- Bình thường chân tay của trẻ sẽ thường khô và ấm, móng tay có màu hồng nhạt. Nhưng khi trẻ bị mất nước nặng hoặc bị sốt thì bàn tay của trẻ có thể chuyển lạnh, móng tay màu tím nhạt.
- Trẻ bị sụt cân do mất nước.
- Trẻ có thể bị sốt, nhưng không phải hầu hết trẻ bị sốt do nguyên nhân tiêu chảy. Nhưng khi có xuất hiện dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc tác động của vi khuẩn, virus thì trẻ có thể bị sốt và mất nước.
Trẻ bị tiêu chảy kéo dài sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng. Nếu trẻ không có sức đề kháng tốt thì sẽ không thể chống lại được vòng luẩn quẩn này. Vì vậy chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển sức đề kháng, chống lại các loại vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài.
2. Những nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà
Khi trẻ tiêu chảy thường sẽ xảy ra tình trạng mất nước khiến cho trẻ mệt và không muốn ăn. Tuy nhiên, để giúp trẻ chống lại được những tác động tiêu cực của tiêu chảy cha mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng đặc biệt để giúp trẻ nhanh phục hồi.
Các nguyên tắc trong chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà bao gồm:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nếu trẻ còn đang bú mẹ thì mẹ sẽ cho trẻ bú nhiều hơn so với ngày thường, vì sữa mẹ cũng giúp cung cấp hàm lượng nước đáng kể. Trẻ lớn hơn (trên 6 tháng đến 5 tuổi) có thể được bù nước bằng đường uống với bất kỳ loại nước uống nào nếu trẻ thích, chẳng hạn như nước súp, nước cháo, nước dừa,… Trẻ bị tiêu chảy cấp và mạn có thể vừa bị mất nước vừa bị mất cả muối khoáng. Vì vậy, nếu trẻ có thể uống được cha mẹ nên sử dụng oresol để bù nước và bù khoáng được hiệu quả.
- Việc chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp hay mạn tính cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu trẻ đang bú mẹ thì mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú thường xuyên hơn. Để cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mẹ nên bổ sung chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày giúp sữa có giá trị dinh dưỡng tốt nhất. Còn với trẻ ăn dặm thì cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng giúp trẻ tiêu hoá dễ dàng.
- Cha mẹ cần được tư vấn từ bác sĩ để bổ sung kẽm cho trẻ (nếu cần thiết). Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi trẻ tiêu chảy dài ngày nên sử dụng liệu trình ngắn hạn điều trị tiêu chảy bằng kẽm với hàm lượng từ 10 đến 20mg mỗi ngày. Ngoài ra, cha mẹ có thể lựa chọn thêm một số thực phẩm giàu kẽm để bổ sung vào chế độ ăn của trẻ.
- Sử dụng kháng sinh để điều trị tiêu chảy ở trẻ. Nếu trẻ gặp phải tình trạng tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ. Tuân thủ liệu trình điều trị bằng kháng sinh. Cha mẹ không nên tự ý sử dụng kháng sinh vì có thể gây nên tình trạng nhờn thuốc hoặc kháng kháng sinh dẫn đến khó khăn trong quá trình điều trị bệnh của trẻ trong tương lai.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao diễn biến bệnh của trẻ để có phương án xử lý kịp thời. Khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao không hạ, tiêu chảy có máu, bỏ bú,… thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.