Theo các chuyên gia, trẻ em là đối tượng có thể chưa nhận thức được rõ ràng sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như khó tự giác trong việc tự cách ly tại nhà nên cha mẹ cần hỗ trợ, chăm sóc để con nhanh chóng khỏi bệnh cũng như tránh lây lan cho những thành viên khác trong gia đình. Khi bé là F0, cha mẹ cần cho con cách ly tại phòng riêng, không ăn chung với gia đình, không dùng chung vật dụng hàng ngày với mọi người. Vì trẻ nhỏ rất ham chơi nên cha mẹ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con có thể ngoan ngoãn tự cách ly trong phòng riêng.
1. Những vật dụng cần mua sắm
Theo hướng dẫn Sổ tay chăm sóc cho trẻ mắc Covid-19 tại nhà do Trung tâm bệnh nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội thầy thuốc Trẻ Việt Nam biên soạn, phụ huynh cần chuẩn bị một số vật dụng như nước sát khuẩn hoặc xà phòng, khẩu trang với trẻ trên 2 tuổi, một nhiệt kế. Nếu có thể nên chuẩn bị một máy đo SpO2, điện thoại có chức năng gọi video để liên hệ với nhân viên y tế khi cần thiết.
Những loại thuốc chuẩn bị sẵn gồm thuốc hạ sốt có hoạt chất paracetamol, mua cả dạng gói và viên đặt hậu môn để sẵn tủ lạnh, siro ho thảo dược hoặc kẹo ngậm giảm ho với trẻ lớn. Oresol dạng gói bột pha, vitamin C, D, nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi. Không cần mua sẵn kháng sinh, kháng virus, chống viêm, chống đông, thuốc xách tay, thuốc không rõ tem mác…
2. Các vấn đề thường gặp
Trẻ sốt, sốt cao
Theo dõi các triệu chứng của trẻ, trẻ sốt là khi thân nhiệt cao hơn 37,5 độ. Khi đó, phụ huynh cần nới lỏng quần áo, mặc đồ mỏng nhẹ, dễ thấm mồ hôi. Hạ sốt với paracetamol. Có thể lau (chườm) nách, bẹn với nước ấm. Cho trẻ uống nước nhiều hơn, thêm sữa, nước hoa quả, nước canh… Báo bác sĩ nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C dù đã uống hạ sốt, sốt kéo dài trên 5 ngày hoặc có các dấu hiệu bất thường.
Trẻ ho, đau họng
Ho là phản xạ giúp bảo vệ đường thở của cơ thể. Khi trẻ ho khan ít, có thể cho uống siro thảo dược hoặc ngậm kẹo với trẻ lớn. Khi triệu chứng ho tăng dần cần báo cho bác sĩ đang theo dõi trẻ từ xa, không tự ý dùng các thuốc giảm ho, long đờm, đồng thời cần theo dõi các dấu hiệu thở nhanh, khó thở.
Trẻ ho, chảy mũi
Xịt mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Hút mũi sau khi nhỏ hoặc xịt mũi, tránh bơm rửa mũi ở trẻ nhỏ. Báo bác sĩ để được kê đơn các thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng
Trẻ nôn, tiêu chảy
Cần phải báo với bác sĩ đang theo dõi trẻ đồng thời bổ sung oresol. Không tự ý dùng các thuốc chống nôn, thuốc cầm tiêu chảy, kháng sinh… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Có thể dùng thêm thuốc men vi sinh sẵn có tại nhà. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn bình thường, chia bữa nhỏ. Luôn theo dõi sát dấu hiệu mất nước uống kém, tiểu ít, môi miệng khô, mắt trũng, không uống đủ oresol.
Trẻ ăn kém hơn
Trẻ có thể ăn kém do nhiều nguyên nhân, phụ huynh nên ưu tiên cho ăn đồ lỏng, nguội, mát (khi trẻ rát họng) và chia nhiều bữa nhỏ, tăng số bữa ăn sữa, cháo, nước hoa quả… Khi trẻ ăn, uống rất kém, tiểu ít hoặc giảm số lần đi tiểu, số lần thay bỉm, môi miệng khô, bỏ ăn bỏ bú cần báo ngay cho nhân viên y tế đang theo dõi trẻ
Trẻ phát ban (nổi mẩn)
Phát ban có thể là triệu chứng thông thường khi nhiễm virus hoặc là dấu hiệu cảnh báo nặng. Vì vậy, cần báo ngay nhân viên y tế đang theo dõi trẻ để được đánh giá, phân biệt và tư vấn xử trí.
3. Cách sử dụng thuốc cho trẻ
Thuốc hạ sốt paracetamol hay acetaminophen
Có thể sử dụng dạng viên nén, viên sủi, gói bột pha uống. Trẻ nhỏ cần chuẩn bị cả viên đặt hậu môn, để sẵn tủ lạnh. Dùng thuốc khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Nếu trẻ có tiền sử co giật do sốt thì dùng khi sốt từ 38 độ C trở lên. Liều dùng 10-15 mg/kg/lần cách mỗi 4-6 giờ nếu sốt lại. Không dùng liều thấp hoặc cao hơn. Tổng liều tối đa không dùng quá 4.000 mg/ngày với trẻ lớn, thừa cân, béo phì và 60 mg/kg/ngày với trẻ nhỏ. Với ibuprofen, cần xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Không tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, chống đông, chỉ dùng khi bác sĩ chỉ định. Không tự ý mua và dùng các thuốc kháng virus Covid-19, kháng virus cúm, các thuốc không đi kèm vỉ, nhãn mác, không rõ hàm lượng, các thuốc xách tay từ nước ngoài (không có nhãn phụ tiếng Việt).
Các sản phẩm giảm ho
Ưu tiên sử dụng thuốc ho có thành phần thảo dược. Không được dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng. Không dùng thuốc có chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi. Trẻ lớn có thể ngậm kẹo cứng thông thường để giảm ho. Đối với thuốc tiêu, loãng đờm, kháng histamin chỉ dùng khi có tư vấn và chỉ định, theo dõi của bác sĩ. Vệ sinh mũi miệng tốt, uống đủ nước góp phần giảm ho.
Vitamin C, D và kẽm
Bổ sung vitamin C, D và kẽm để giúp nâng đề kháng, dùng đúng theo liều trong tờ hướng dẫn sử dụng.
Oresol bù nước, điện giải
Pha một gói bột oresol với chính xác lượng nước đun sôi để nguội ghi trên gói thuốc khoảng 200 ml hoặc một lít, tùy gói. Uống từng thìa hoặc chén nhỏ, liên tục, rải đều trong ngày tùy mức độ nôn và tiêu chảy. Dung dịch đã pha chỉ dùng trong 24 giờ. Không nên dùng loại đóng chai pha sẵn.
Các thuốc điều trị bệnh mạn tính
Không được bỏ thuốc, tiếp tục dùng thuốc theo đơn bác sĩ đã kê. Với một số bệnh lý đặc biệt, báo ngay bác sĩ chuyên khoa để xin ý kiến. Tránh lạm dụng xông hơi, xông thảo dược, tinh dầu các loại, đánh gió, đặc biệt với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
4. Cách đếm nhịp thở
Để trẻ nằm trên giường hoặc bề ngang trên tay (chú ý đếm khi trẻ nằm ngủ hoặc nằm ngoan không quấy khóc, không sốt cao), kéo nhẹ áo để hở bụng trẻ, đặt đồng hồ hoặc điện thoại bấm giờ bên cạnh, mắt vừa nhìn đồng hồ vừa nhìn di động bụng của trẻ, bụng di động lên – xuống là tính một nhịp thở, đến như vậy trong đúng một phút, có thể đếm 2-3 lần.
Xác định thở nhanh là cách phát hiện viêm phổi hoặc suy hô hấp ở trẻ em. Trẻ được đánh giá là thở nhanh (thở gấp) khi dưới 2 tháng tuổi nhịp thở cao hơn 60 nhịp/phút. Trẻ 2-12 tháng tuổi có nhịp thở hơn 50 nhịp/phút. Trẻ 1-5 tuổi có nhịp thở hơn 40 nhịp/phút. Với trẻ trên 5 tuổi, nhịp thở cao hơn 30 nhịp/phút.
Nếu đo SpO2, có thể dùng máy đo thông thường của người lớn. Xoa ấm tay, chân, dỗ trẻ ngoan khi đo, có thể dùng băng dính y tế để cố định, kẹp ngón tay hoặc ngón chân cái của trẻ vào máy đo. Đọc kết quả sau 1-3 phút.
5. Rửa mũi – họng
Dùng dung dịch nước muối sinh lý, nước muối biển, nước muối ưu trương 3%, lọ nhỏ hoặc bình xịt phun sương. Nhỏ hoặc xịt mũi, sau đó hút sạch bằng dụng cụ phù hợp hoặc hướng dẫn trẻ xì mũi. Thực hiện rửa mũi, họng 2-6 lần mỗi ngày tùy mức độ chảy mũi. Không tự pha nước muối để rửa mũi họng cho trẻ, tránh tự bơm rửa mũi tại nhà.
6. Theo dõi dấu hiệu bất thường nguy kịch
Chú ý các dấu hiệu bất thường sau để báo nhân viên y tế như sốt cao trên 39 độ, khó hạ sốt, ăn bú kém, nôn tiêu chảy, thở nhanh so với tuổi, li bì hoặc quấy khóc, đau rát họng, phát ban, đau ngực.
Các triệu chứng nguy hiểm cần phải báo ngay 115 và sẵn sàng nhập viện gồm thở nhanh và rút lõm lồng ngực hoặc phập phồng cánh mũi với trẻ dưới 2 tuổi, ngừng thở, thở rên hoặc tím môi; chỉ số SpO2 dưới 94%, nhịp tim quá nhanh hoặc chậm, li bì khó đánh thức hoặc co giật hôn mê, bỏ bú hoặc nôn nhiều hoặc không uống được, tiểu ít hoặc không tiểu, tím môi hoặc tím đầu ngón chân, chân tay lạnh, nổi vân tím.
Thời gian phục vụ:
7 Ngày trong tuần: Từ 06h30 đến 17h00 chiều
Là Phòng khám hàng đầu ở miền Tây nói chung và ở địa bàn Thị xã Cai Lậy, Cái Bè nói riêng. Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong là địa chỉ tin cậy chuyên khám và điều trị các bệnh lý về Nhi khoa, trong đó có chứng biếng ăn và tư vấn hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, ngoài ra Phòng khám còn cung cấp nhiều loại sữa dinh dưỡng, yến sao, thực phẩm chức năng. Môi trường Phòng khám thân thiện, vệ sinh, vô trùng tuyệt đối. Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao sẽ mang lại sự an tâm cho bệnh nhân đến khám. Để được tư vấn và đặt lịch khám quý vị vui lòng liên hệ qua tổng đài CSKH 02736.519.919 để chúng tôi được phục vụ bạn.
Địa điểm:
Phan Văn Khỏe, Khu phố 1, Phường 1, Thị xã Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang.
Website: phongkhamsaigonmekong.com
Facebook: Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong