Nhiều người bị vẹo vách ngăn mũi mà không biết. Khi vẹo vách ngăn mũi thông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nếu tình trạng vẹo nghiêm trọng dễ dẫn đến biến chứng đáng ngại.
Mũi được chia ra thành hai bên, ngăn cách nhau bởi vách ngăn mũi, cấu tạo từ một phần xương ở phía sau và một phần sụn ở phía trước. Vẹo vách ngăn mũi là khi vách ngăn bị cong vẹo sang một bên làm cho một bên khoang mũi nhỏ hơn bên còn lại gây khó khăn khi hít thở. Vẹo vách ngăn mũi được phân thành nhiều dạng:
Vẹo đơn thuần: Vẹo theo hình chữ C, vách ngăn chỉ vẹo qua một bên (bên trái hoặc bên phải).
Vẹo hình chữ S: Vẹo vách ngăn mũi phức tạp, vừa có thể bị vẹo sang trái, vừa có thể vẹo sang phải.
Gai hoặc mào vách ngăn mũi: Thường gặp ở phần tiếp giáp của xương và sụn vách ngăn. Gai hoặc mào vách ngăn mũi có thể chạm đến niêm mạc mũi gây chảy máu và gây đau nhức dữ dội cho người bệnh.
1. Vì sao vách ngăn bị vẹo?
1.1 Do bẩm sinh:
Một số trường hợp vẹo vách ngăn mũi xảy ra trong suốt quá trình phát triển bào thai và dễ dàng nhận ra ngay sau khi em bé được sinh ra.
1.2 Chấn thương vùng mũi:
Hậu quả của chấn thương vào vùng mũi có thể làm cho vách ngăn bị vẹo sang một bên. Đối với trẻ nhỏ có thể là do một sang chấn trong quá trình chuyển dạ của người mẹ. Với trẻ lớn và người lớn có thể là do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, do va chạm khi chơi thể thao hay do tình trạng bạo lực… gây tác động cơ học vào vùng mặt, mũi dẫn đến vẹo vách ngăn.
1.3 Quá trình lão hóa:
Sự lão hóa bình thường của cơ thể người cũng có thể làm thay đổi cấu trúc của mũi và vách ngăn mũi bị vẹo sang một bên theo thời gian dài.
1.4 Do viêm nhiễm:
Tình trạng viêm mạn tính vùng mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang khiến người bệnh khó chịu. Động tác quẹt mũi thường xuyên do viêm có thể làm thay đổi cấu trúc vách ngăn dẫn tới tình trạng vẹo vách ngăn mũi.
2. Nhận biết vẹo vách ngăn mũi
Nhiều trường hợp vẹo vách ngăn mũi nhưng không có triệu chứng nào cả. Tuy nhiên, khi thấy có những dấu hiệu sau chứng tỏ bạn đang bị vẹo vách ngăn mũi:
2.1 Nghẹt mũi:
Vẹo vách ngăn gây nghẹt mũi một hoặc cả hai bên mũi thường xuyên làm cho bệnh nhân khó thở kể cả khi không bị viêm mũi. Nghẹt mũi có thể trầm trọng hơn khi mắc cảm cúm hoặc dị ứng đường hô hấp trên.
2.2 Chảy máu mũi:
Do bề mặt vách ngăn mũi rất mỏng nhưng lại chính là nơi tập trung của nhiều mạch máu nhỏ, mạch máu ở vị trí khá nông nên khi vách ngăn bị vẹo, bề mặt vách ngăn trở nên khô hơn dễ gây chảy máu mũi.
2.3 Đau vùng mặt:
Vẹo vách ngăn nặng gây tắc nghẽn một bên mũi dẫn đến cảm giác đau hay tức nặng nửa bên mặt cùng bên với nghẹt mũi.
2.4 Thở ậm ạch và nằm nghiêng:
Do ống mũi một bên bị cản trở, không khí đi qua sẽ gây ra tiếng ồn ào, đặc biệt là khi ngủ. Do một bên mũi bị hẹp nên một số người có xu hướng chỉ nằm nghiêng để thở dễ hơn.
2.5 Nhức nửa đầu, nhức hốc mắt:
Có thể nhức một bên hoặc cả hai bên. Dù nhức đầu không dữ dội nhưng lại âm ỉ, dai dẳng khiến người bệnh rất khó chịu. Nhức đầu tăng khi trời nắng gắt hoặc trời quá lạnh hay nhức nhiều hơn ở phụ nữ trong những ngày có kinh nguyệt, làm cho người bệnh hay bực bội, cáu gắt…
2.6 Luân phiên tắc nghẽn:
Sự luân phiên tắc nghẽn giữa hai bên mũi, khi bên mũi này bị tắc do ứ máu ở cuốn mũi thì mũi bên kia lại thông thoáng. Biểu hiện này rất khó nhận ra nhưng nếu bệnh nhân cảm nhận rõ ràng chu kỳ mũi thì đây là một hiện tượng bất thường.
3. Vẹo vách ngăn mũi gây biến chứng gì?
Vẹo vách ngăn mũi là một loại rối loạn thể chất gây ảnh hưởng đến vùng mũi, vách ngăn mũi sẽ bị vẹo sang một bên, phát triển không bình thường khiến người bệnh dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang.
Trong những trường hợp vẹo vách ngăn nặng, gây tắc nghẽn mũi, có thể dẫn tới các biến chứng: Khô miệng do nghẹt mũi phải thở bằng miệng kéo dài; Cảm giác nặng nề, tắc nghẽn trong khoang mũi; Rối loạn giấc ngủ (ngủ ngáy, ngưng thở lúc ngủ); Chảy máu cam; Nhiễm trùng mũi tái phát…
Bệnh nhân cần tới gặp bác sĩ nếu có một trong các tình trạng sau: Nghẹt mũi một bên hay hai bên kéo dài mà không đáp ứng với thuốc điều trị; Chảy máu cam thường xuyên; Nhiễm trùng mũi xoang kéo dài hay tái phát thường xuyên; Tắc nghẽn mũi gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống.
4. Xử trí khi bị vẹo vách ngăn mũi
Nhiều trường hợp bị vẹo vách ngăn mũi mà không cần can thiệp điều trị. Đa số trường hợp vẹo vách ngăn phải điều trị nội khoa. Việc điều trị nội khoa bằng thuốc với chứng vẹo vách ngăn thường chỉ là điều trị những triệu chứng do vách ngăn bị vẹo gây nên (thuốc chống nghẹt mũi, thuốc chống ứng, corticoid…). Do vẹo vách ngăn là sự biến đổi cấu trúc thực thể nên việc điều trị nội khoa khó có thể hết được. Tất cả các thuốc kể trên chỉ có tác dụng giảm nghẹt mũi do giảm phù nề niêm mạc mũi nhưng không làm thay đổi cấu trúc vách ngăn mũi. Trường hợp vẹo vách ngăn ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống như: gây nghẹt mũi, đau đầu, viêm xoang, là điểm kích thích gây viêm mũi dị ứng để có chỉ định phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn.