Bệnh viêm tai giữa mạn tính có nguy hiểm không?

Tai là một cơ quan cảm giác quan trọng. Trong đó, phần tai giữa đóng vai trò trong nhận biết và dẫn truyền âm thanh. Viêm tai giữa mạn tính có thể làm giảm thính lực và đôi khi nhiễm trùng lan vào não, ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, những hiểu biết về bệnh giúp phòng ngừa và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm tai giữa mạn tính là bệnh gì?

Viêm tai giữa mạn tính là khi tình trạng viêm xảy ra tại niêm mạc tai giữa kéo dài thời gian trên 12 tuần. Đồng thời, bệnh không hay kém đáp ứng với điều trị nội khoa. Hệ quả là thủng màng nhĩ, phù nề niêm mạc trong tai giữa và xương chũm.

tai giữa
Vị trí của tai giữa

2. Nguyên nhân của viêm tai giữa mạn tính như thế nào?

  • Viêm tai giữa thường gây ra bởi các tác nhân virus, vi khuẩn hay nấm.
  • Khi điều trị những trường hợp cảm lạnh thông thường không hiệu quả, vòi nhĩ bị tắc, không dẫn lưu dịch tiết trong hòm nhĩ xuống họng được, dịch nhầy bị ứ đọng lại trong tai giữa, tạo điều kiện vi trùng xâm lấn, gây biến chứng viêm tai giữa.
  • Ở trẻ em, vòi nhĩ ngắn, hẹp và hơi nằm ngang hơn so với người lớn nên dễ bị viêm tai giữa hơn.
  • Viêm tai giữa cũng có thể do chấn thương, do áp lực.
  • Các yếu tố thuận lợi gây viêm tai giữa là do cấu trúc xương chũm thông nối, độc tố của vi khuẩn và thể trạng, cơ địa của bệnh nhân: trẻ em suy dinh dưỡng, người lớn bị suy nhược cơ thể thì sức đề kháng giảm, do đó dễ bị viêm tai giữa.

3. Biểu hiện và biến chứng của viêm tai giữa mạn tính ra sao?

  • Viêm tai giữa mạn tính nhầy: Chảy mủ tai từng đợt, phụ thuộc vào những đợt viêm V.A, mủ chảy ra nhầy, dính, không thối, chưa ảnh hưởng nhiều đến sức nghe.
  • Viêm tai giữa mạn tính mủ: Thường chảy mủ tai kéo dài, mủ đặc xanh thối, có thể có cholesteatoma, nghe kém dẫn truyền ngày càng tăng, có thể đau âm ỉ trong đầu hay nặng đầu phía bên tai bị bệnh.
  • Viêm tai giữa mạn tính hồi viêm: Sốt cao và kéo dài, thể trạng nhiễm trùng rõ rệt: ăn ngủ kém, gầy, hốc hác, suy nhược.

Giai đoạn đầu, người bệnh bị viêm tai giữa mạn tính thường chảy mủ tai từng đợt, mủ chảy ra nhầy, dính, không thối. Lúc này, chức năng thính lực chưa bị ảnh hưởng.

Càng về sau, tình trạng chảy mủ tai kéo dài liên tục, mủ đặc, màu xanh thối. Đồng thời, sức nghe bắt đầu giảm dần và có thể đau âm ỉ trong đầu hay nặng đầu phía bên tai bị bệnh.

Đến giai đoạn muộn, nghe kém tăng lên vì tổn thương toàn bộ đường dẫn truyền, gây hệ quả là trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ hoặc không biết nói nếu bị cả hai tai. Đau tai từng đợt rất dữ dội. Điểm đau nằm sâu trong tai và lan ra phía sau vùng xương chũm hay lan ra cả vùng thái dương gây nên tình trạng nhức đầu, ù tai và chóng mặt.

Nếu tình trạng này kéo dài, viêm tai giữa mạn tính sẽ gây biến chứng:

  • Khiếm thính hoàn toàn một bên tai tổn thương. Lỗ thủng màng nhĩ vĩnh viễn không lành, chuỗi xương con bị phá hủy.
  • Khi viêm nhiễm lan rộng, các cơ quan lân cận cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây chóng mặt do tổn thương hệ thống tiền đình, liệt mặt do tổn thương dây thần kinh mặt, viêm xương chũm, viêm não – màng não, áp xe ngoài màng cứng hoặc áp xe não… có thể dẫn đến ảnh hưởng tính mạng.

Thực hiện các xét nghiệm cho thấy màng nhĩ bị phồng, xẹp, thủng khi soi tai. Đo thính lực ghi nhận sức nghe giảm. Chụp Xquang xương chũm hay chụp CT điện toán cắt lớp đánh giá nhiễm trùng lan tỏa ra bên ngoài tai giữa, vào xương chũm, màng não – não.

4. Cách điều trị và đề phòng viêm tai giữa mạn tính như thế nào?

Mục đích của điều trị viêm tai giữa mạn tính là để kiểm soát sự nhiễm trùng, loại bỏ dịch tiết ứ đọng trong tai giữa và phục hồi chức năng nghe. Do đó, cần phải phối hợp săn sóc tại chỗ và điều trị nguyên nhân.

Điều trị tại chỗ là sử dụng các thuốc và vệ sinh tai. Bảo đảm ống tai thoáng sạch, cắt polyp ống tai nếu có, rửa bằng nước muối hoặc oxy già, sau đó dùng thuốc nhỏ tai. Trong một số trường hợp nhiễm trùng khó kiểm soát, cần phải phẫu thuật, dẫn lưu, làm sạch ổ viêm nhiễm, áp xe.

Bên cạnh đó, khi nguyên nhân của bệnh vẫn chưa giải quyết triệt để thì bệnh sẽ tái phát. Nếu nguyên nhân là ở mũi và ở vòm mũi họng, cần phải điều trị viêm mũi xoang, cắt quá phát cuốn mũi, nạo V.A…

Việc phòng bệnh là chủ động ngăn ngừa viêm tai giữa cấp tính biến thành viêm tai giữa mạn tính bằng cách tích cực tuân thủ thuốc, kháng sinh, cân nhắc chích rạch màng nhĩ sớm, bảo đảm dẫn lưu tốt, tránh ứ đọng. Sau khi tiếp xúc với môi trường nước như bơi lội, gội đầu, nên vệ sinh tai, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, nếu đã bị viêm tai giữa mạn tính thì phải điều trị đúng chuyên khoa, theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng để giải quyết kịp thời.

Tóm lại, viêm tai giữa mạn tính là hệ quả của các bệnh lý tai mũi họng khác nếu điều trị không đúng cách. Bệnh diễn tiến dai dẳng, vừa ảnh hưởng đến khả năng nghe nói, chất lượng sống của người bệnh, vừa gây các biến chứng nguy hiểm.

bnh-vim-tai-gia-mn-tnh-c-nguy-him-khng-phng-khm-si-gn-mekong
Call Now Button