Bệnh trào ngược thực quản – Căn bệnh nguy hiểm nhưng đang bị coi thường

Bệnh trào ngược thực quản hiện nay khá phổ biến và có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Do tính chất phức tạp của các triệu chứng và quá trình phát triển bệnh nên nhiều người đánh giá sai mức độ bệnh, từ đó sinh ra tâm lý chủ quan. Chính vì vậy tìm hiểu về căn bệnh này để tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm là điều hết sức cần thiết.

1. Bệnh trào ngược thực quản là gì ?

Bệnh trào ngược thực quản là một tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi…) trào ngược lên thực quản, là một hiện tượng sinh lý bình thường. Đa số trường hợp hiện tượng này xuất hiện ở các thời điểm khác nhau trong ngày đặc biệt là sau ăn và không gây hậu quả. Khi hiện tượng trào ngược gây triệu chứng hoặc tổn thương niêm mạc thực quản thì được gọi là bệnh trào ngược trào ngược dạ dày thực quản.

2. Những biểu hiện của bệnh trào ngược thực quản

  • Ợ nóng :

Là triệu chứng chính của trào ngược thực quản. Người bệnh sẽ cảm giác nóng rát khó chịu lan từ thượng vị lên phía sau xương ức, có thể lan ra cổ họng. Cảm giác này ngày càng khó chịu hơn nếu bạn nằm hoặc cúi xuống ngay sau khi ăn. Người bệnh còn có thể kèm thêm ợ chua và ợ thức ăn. Đó là lúc dịch dạ dày lên cao hết chiều dài thực quản kèm vị chua trong miệng.

  • Nuốt khó, nuốt đau:

Cảm giác thức ăn đang bị kẹt ở thực quản hay có đờm ở cổ. Nguyên nhân do acid dạ dày trào ngược lên nhiều và mạnh gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản.

  • Khàn giọng, đau họng, ho đêm:

Triệu chứng này dễ khiến chẩn đoán nhầm với viêm họng. Khàn giọng ở bệnh nhân bị trào ngược thực quản thường xảy ra vào sáng sớm, có thể hết vào trưa, chiều.

  • Đau và tức vùng ngực:

Người bị bệnh trào ngược thực quản có cảm giác bị đè ép, thắt ở vùng sau xương ức lan ra lưng, cổ, hàm hoặc cánh tay, kéo dài vài phút đến hàng giờ. Triệu chứng này thường xuất hiện sau ăn, nếu bạn stress các cơn đau tức còn nặng hơn. Cơn đau có thể tự hết hoặc dùng thuốc giảm tiết hoặc trung hòa acid.

  • Nước bọt tiết nhiều hơn so với mức bình thường nhằm trung hòa acid trào lên thực quản.

Những biểu hiện của bệnh trào ngược thực quản

3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây trào ngược thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra ở mọi lứa tuổi, đôi khi không có lý do. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh:

  • Thoát vị khe: Có một lỗ mở trong cơ hoành cho phép phần trên của dạ dày di chuyển vào trong ngực. Điều này làm giảm áp lực trong cơ vòng thực quản và làm tăng nguy cơ trào ngược thực quản
  • Thừa cân hoặc béo phì gây tăng áp lực lên vùng bụng
  • Mang thai, do tăng áp lực lên vùng bụng và thay đổi nội tiết tố.
  • Khi dùng một số loại thuốc nhất định, bao gồm một số loại thuốc trị hen suyễn (Theophylin), thuốc chẹn kênh canxi, thuốc kháng histamin, thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm
  • Do tác hại của việc hút thuốc, rượu bia, ăn các thực phẩm chiên, cay, ăn ngay trước khi ngủ…

4. Tác hại của bệnh trào ngược thực quản

Trào ngược thực quản thường không đe dọa tính mạng, nhưng có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Các vấn đề hô hấp: Một lượng axit dạ dày tràn vào đường hô hấp có thể gây ra nghẹt mũi, khàn tiếng, viêm họng, viêm xoang, hen suyễn, viêm thanh quản, viêm phế quản hay viêm phổi .
  • Hẹp thực quản : Khi dịch dạ dày tràn lên thực quản nhiều, liên tục sẽ gây phù nề, tổn thương niêm mạc thực quản, kéo dài dẫn đến loét, hẹp thực quản. Tình trạng này khiến cho người bệnh đau, chảy máu và khó khăn khi nuốt, nuốt đau, tức ngực. Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn gây nôn ói…
  • Barrett thực quản : Đây là một tình trạng tiền ung thư trong đó lớp niêm mạc thực quản thay đổi, gần giống với lớp lót ruột hơn. Thực quản Barrett có thể làm giảm các triệu chứng ợ nóng nhưng cũng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
  • Ung thư thực quản: Đây là biến chứng cuối cùng và cực kỳ nguy hiểm của bệnh trào ngược thực quản. Ung thư thực quản thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Ung thư thực quản gây ra nhiều đau đớn, chảy máu thực quản, người bệnh sút cân nặng, da sạm và xuất hiện nhiều vết nhăn. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 7.000 ca ung thư thực quản. Đáng lo ngại là người bệnh thường được chẩn đoán muộn nên tỉ lệ sống thêm 3 năm là dưới 5%.

Vì vậy, để chặn đứng các biễn chứng của bệnh trào ngược thực quản, khi phát hiện những biểu hiện bất thường của cơ thể như ợ chua, ợ nóng, đau rát ở vùng ngực thường xuyên, bạn hãy đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ sớm phát hiện ra đó có phải là trào ngược dạ dày hay không.

Tác hại của bệnh trào ngược thực quản

5. Những phương pháp dùng điều trị bệnh trào ngược thực quản

Có một số phương pháp không dùng thuốc cũng góp phần làm giảm triệu chứng bệnh rất hiệu quả như xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý:

  • Chế độ ăn uống khoa học nhiều trái cây rau quả

– Chia nhỏ bữa ăn, không ăn quá no, không ăn tối muộn

– Có một chế độ ăn hợp lý, nhiều trái cây, rau củ và ít các sản phẩm từ sữa

– Giảm sử dụng thực phẩm giàu chất béo; thực phẩm chua cay

– Không nằm hoặc lao động ngay sau khi ăn

  • Giữ cân nặng hợp lý; giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Không hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích
  • Kê đầu giường cao 15cm so với chân giường.

Nếu áp dụng các biện pháp nói trên mà không cải thiện tình trạng bệnh trào ngược thực quản , bạn cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn sử dụng thuốc. Thông thường, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc làm dạ dày mau trống, thuốc tăng cường co thắt cơ vòng thực quản, làm giảm acid dạ dày, thuốc kháng acid dạ dày.

bnh-tro-ngc-thc-qun-cn-bnh-nguy-him-nhng-ang-b-coi-thng-phng-khm-si-gn-mekong
Call Now Button