Thuốc Molnupiravir là một trong những loại thuốc kháng virus được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam. Thuốc giúp người mắc Covid-19 mức độ nhẹ và vừa có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị.
Molnupiravir là một loại thuốc viên hoạt động bằng cách đưa các đột biến vào mã di truyền của virus SARS-CoV-2, ngăn chặn sự tái tạo của virus. Thuốc có tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Qua đó có hiệu quả trong việc điều trị bệnh Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thắc mắc khi sử dụng thuốc molnupiravir. Bài viết sau đây sẽ giải đáp 7 câu hỏi thường gặp nhất khi uống molnupiravir
1. Bệnh nhân không triệu chứng có được dùng thuốc không?
F0 không triệu chứng thì không dùng molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus dạng uống, bào chế dạng viên, được chỉ định điều trị bệnh nhân Covid-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Cụ thể, thuốc được dùng cho bệnh nhân viêm đường hô hấp trên cấp tính với các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở từ 20 lần mỗi phút trở xuống, SpO2 từ 96% trở lên khi thở khí trời.
Molnupiravir có khả năng làm vô hiệu hoá khả năng nhân bản của virus gây bệnh Covid-19, khiến virus không phát triển được. Nên dùng sớm ngay khi phát hiện dương tính vì nếu để virus phát triển mạnh và nhiều rồi thì lượng thuốc uống vào không đủ làm sai lệch quá trình nhân bản. Kết quả thử nghiệm lâm sàng tại nhiều quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, tác dụng phụ không đáng kể.
Xem thêm: Đau nhức chân và vai có thể là dấu hiệu nhiễm Omicron
Thuốc không sử dụng để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm, không sử dụng điều trị khởi đầu cho bệnh nhân cần nhập viện.
Không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thuốc. Phụ nữ nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều molnupiravir cuối cùng. Không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều molnupiravir cuối cùng.
Nam giới trong độ tuổi sinh sản cần sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất ba tháng sau liều monulpiravir cuối cùng.
Người đang giai đoạn cấp mắc viêm gan B hoặc C, xơ gan, ung thư gan; viêm tuỵ cấp trong vòng ba tháng trước đó hoặc tiền sử viêm tuỵ mạn; tổn thương thận cấp hoặc suy thận nặng hoặc phải chạy thận nhân tạo… cũng chống chỉ định dùng thuốc.
2. Có được uống thuốc khác khi đang dùng molnupiravir?
Hiện, các nhà nghiên cứu chưa ghi nhận tương tác thuốc nào giữa molnupiravir và các thuốc khác. F0 có bệnh lý nền vẫn có thể uống các thuốc điều trị như huyết áp, tiểu đường…, song song với việc dùng molnupiravir.
3. Có nên chia sẻ thuốc cho người nhà cũng là F0?
Không chia sẻ thuốc. Người nhà là F0 nếu muốn uống thuốc phải đáp ứng các điều kiện, bao gồm có triệu chứng nhẹ. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc mà đòi hỏi phải có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
4. Sử dụng 3-4 ngày thấy khỏe hẳn, hết triệu chứng thì có cần tiếp tục uống thuốc?
Thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Nguyên lý dùng thuốc là dùng càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 7 ngày đầu sau nhiễm, theo dõi các phản ứng phụ của thuốc trong 14 ngày
Người bệnh mới uống một vài ngày, dù hết triệu chứng thì vẫn cần tiếp tục dùng thuốc đủ liệu trình 5 ngày, trừ khi xuất hiện các chống chỉ định hoặc tác dụng phụ nặng.
5. Bệnh nhân đã sử dụng đủ liệu trình, sau khi xét nghiệm âm tính có cần tuân thủ 5K không?
Cần tiếp tục thực hiện nghiêm 5K như trước để tránh tái nhiễm, lây nhiễm khác. Thực tế hiện nay ghi nhận nhiều người tiêm vaccine, đã khỏi bệnh vẫn tái dương một vài lần.
6. Nếu đang dùng thuốc mà chuyển sang nặng hơn thì thế nào?
F0 khi chuyển nặng, cần sử dụng thuốc kháng viêm, kháng đông hoặc thuốc kháng virus khác thì sẽ ngưng dùng molnupiravir. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
7. Bệnh nhân quên uống một liều thì sử dụng tiếp theo thế nào?
Liều dùng molnupiravir được khuyến cáo hiện nay là 800mg mỗi 12 giờ. Cần uống nguyên viên với đủ lượng nước (khoảng 120-150ml nước). Nếu quên một liều so với thời điểm cần sử dụng thuốc, cần lưu ý hai trường hợp.
Thứ nhất, nếu quên trong vòng 10 giờ thì uống ngay khi có thể và tiếp tục uống thuốc theo chế độ liều thông thường.
Thứ hai, nếu quên quá 10 giờ thì không uống nhắc lại, bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp theo lịch trình cho đủ lộ trình 5 ngày. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.
Thời gian phục vụ:
7 Ngày trong tuần: Từ 06h30 đến 17h00 chiều
Là Phòng khám hàng đầu ở miền Tây nói chung và ở địa bàn Thị xã Cai Lậy, Cái Bè nói riêng. Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong là địa chỉ tin cậy chuyên khám và điều trị các bệnh lý về Nhi khoa, trong đó có chứng biếng ăn và tư vấn hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, ngoài ra Phòng khám còn cung cấp nhiều loại sữa dinh dưỡng, yến sao, thực phẩm chức năng. Môi trường Phòng khám thân thiện, vệ sinh, vô trùng tuyệt đối. Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao sẽ mang lại sự an tâm cho bệnh nhân đến khám. Để được tư vấn và đặt lịch khám quý vị vui lòng liên hệ qua tổng đài CSKH 02736.519.919 để chúng tôi được phục vụ bạn.
Địa điểm:
Phan Văn Khỏe, Khu phố 1, Phường 1, Thị xã Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang.
Website: phongkhamsaigonmekong.com
Facebook: Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Mekong